Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, so với đề án, kế hoạch đề ra, việc phát triển này chưa tương xứng với tiềm lực sẵn có của địa phương.

Nhân rộng các mô hình có hiệu quả
Ngày 10/8/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 2059/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích khoảng 2.155 ha được đầu tư xây dựng tại huyện Bắc Bình. Mục tiêu của dự án là xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Từ đó nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt 6 - 7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Năng suất cây trồng tăng gấp từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất truyền thống. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt các tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP. Quy trình công nghệ sản xuất phải tiên tiến nhất tại thời điểm đầu tư...

Kết quả đến nay, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Toàn tỉnh có 27.243 ha cây trồng áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 100% diện tích thanh long áp dụng bóng đèn compact, đèn led để xử lý ra hoa trái vụ; 42.090 ha lúa áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước (SRI, ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm); 9.050 ha thanh long canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ). Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm thanh long bằng công nghệ 1 chạm tại HTX Thanh long sạch Hòa Lệ; HTX Thanh long Hàm Minh 30; Trang trại Trịnh Anh… Tất cả quá trình sản xuất của trang trại, hợp tác xã được minh bạch hóa, kết hợp tem nhãn để nhận diện thương hiệu qua ghi chép nhật ký điện tử trên phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp Bình Thuận.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh không mới, chưa có gì nổi bật, chủ yếu thực hiện trên các cây trồng chủ lực của tỉnh (lúa, thanh long) với các ứng dụng như: sản xuất trong nhà màng/nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước tự động hóa, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, sử dụng đèn Led xử lý ra hoa trái vụ trên cây thanh long, áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI…

Đa dạng mô hình nhưng chưa lớn
Trong những năm gần đây, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được áp dụng trên nhiều loại cây trồng với quy mô, diện tích lớn. Điển hình như sản xuất trong nhà màng, nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm trên nhiều loại cây trồng (cây táo, dưa lưới, rau các loại…) ngày càng được mở rộng với diện tích 274 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Bắc Bình, Tuy Phong. Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa trên các loại cây trồng khác nhau như cây có múi (bưởi, cam, quýt, chanh không hạt…) với diện tích 409,5 ha; các loại cây ăn trái khác (xoài, mít, nhãn…) với diện tích 3.218 ha; cây dược liệu (đinh lăng, bạc hà) với diện tích 56,1 ha.

Ngoài ra, nhiều hộ dân còn áp dụng các giống cây trồng mới đáp ứng nhu cầu thị trường, điển hình như Tuy Phong đã chuyển đổi sang trồng các giống nho chủ yếu như nho xanh (NH01- 48), NH 01-152, nho ngón tay đen (NH 04-102), nho kẹo (NH01-26) và nho mẫu đơn (NH 01 - 209) với diện tích 42,4 ha; Tánh Linh có 673,58 ha diện tích gieo trồng lúa sử dụng các giống mới như OM4900, OM5451, OM1, NVP79, Cửu Long 666, Hương Cửu Long… Bên cạnh đó, huyện Tánh Linh còn áp dụng đồng bộ máy móc vào sản xuất lúa với diện tích 183 ha từ khâu gieo sạ bằng máy cấy, máy sạ cụm đến quá trình chăm sóc sử dụng hệ thống phun thuốc bằng máy bay không người lái.

Trước đây, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn được triển khai thực hiện chủ yếu trên cây thanh long, lúa, các loại rau. Trong 2 năm trở lại đây, các mô hình này được mở rộng áp dụng trên các loại cây ăn quả, như: Mô hình trồng thâm canh cam xoàn theo VietGAP, quy mô 1 ha tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết; mô hình trồng, thâm canh sầu riêng theo VietGAP, 2 ha tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam; mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, 2 ha ở xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc; mô hình ứng dụng giá thể trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP, 0,2 ha tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc; mô hình trồng, thâm canh vú sữa theo tiêu chuẩn Viet GAP, 1,7 ha tại xã Hàm Phú và Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc; mô hình trồng, thâm canh mãng cầu dai theo tiêu chuẩn VietGAP, 4,5 ha tại xã Thuận Hòa, Hồng Sơn; mô hình trình diễn trồng mít Thái theo hướng VietGAP, 1 ha tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình; mô hình trồng, thâm canh chanh leo theo VietGAP, quy mô 1 ha tại xã Hàm Minh…
Vì nhiều mô hình chưa triển khai rộng như trên nên tăng trưởng nông nghiệp trong ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh vẫn chưa thật bền vững. Việc liên kết, hợp tác sản xuất trong nông nghiệp chưa phát huy tối đa hiệu quả, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn. Do đó, đã khiến việc ứng dụng công nghệ cao tại địa phương vẫn chưa có bước phát triển đột phá.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 253 dự án nông nghiệp, trong đó có 14 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù tỉnh vẫn chưa ban hành chính sách riêng, cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng địa phương sẽ nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Bằng việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Một khi thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được các vùng chuyên canh kết hợp giữa sản xuất và chế biến bảo đảm số lượng, chất lượng… lúc ấy ngành nông nghiệp mới thực sự phát triển tương xứng với tiềm lực hiện có của Bình Thuận.