Tham gia giám sát, phản biện xã hội
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phát huy vai trò của nhân dân trong góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức cho nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của mình trên các lĩnh vực của đời sống - xã hội. Định kỳ hàng tháng, Bí thư cấp ủy các cấp bố trí lịch tiếp công dân theo Quy định số 11 của Bộ Chính trị, thông báo công khai để người dân biết và tổ chức nghiêm túc việc tiếp công dân. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) ngày càng đi vào nền nếp. Từ năm 2016 – 2021, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 432 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, trong đó cấp tỉnh 6 cuộc, cấp huyện 101 cuộc và cấp xã 325 cuộc. Thông qua đối thoại, các cấp ủy, chính quyền đã nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, của chính quyền, từ đó có những giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, điều hành, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương công khai Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh; các nghị quyết, chỉ thị, báo cáo chuyên đề của cấp ủy về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ; công khai kết quả giải quyết đơn, thư liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên, việc xem xét, xử lý vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng. Các dự thảo Nghị quyết chuyên đề và các chỉ thị, kế hoạch triển khai nghị quyết, nhất là các nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; góp ý vai trò lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; góp ý cho cán bộ, đảng viên… Đặc biệt, thông qua hội nghị nhân dân, hội nghị cử tri, hội nghị cán bộ, công chức và gửi thư góp ý đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động góp ý xây dựng chính quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước
Theo dự báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ có nhiều tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của các tầng lớp nhân dân; phát sinh nhiều vấn đề tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh và lợi ích của người dân. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, phương tiện thông tin, mạng xã hội tác động ngày càng đa dạng, đa chiều... sẽ có nhiều yếu tố tác động đến vấn đề “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung; xây dựng và vận hành tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo quan điểm nhất quán, lấy “người dân là trung tâm” và đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước trong quá trình xây dựng, hoạch định, ban hành chủ trương, chính sách. Do đó, cần tiếp tục tăng cường, đổi mới và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó, tiếp tục, kịp thời đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để hoàn thiện thêm về chủ trương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, tăng cường dân chủ ở cơ sở, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia công việc của Nhà nước một cách thiết thực, phù hợp. Đối với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề dân chủ và phải đảm bảo “dân làm chủ” theo đúng quy định của phát luật. Thực tế cho thấy nếu thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thì những khó khăn sẽ được giải quyết, những sai phạm sẽ không xảy ra và khơi dậy được tinh thần đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyên vọng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh, kiến nghị, đề xuất cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; làm tròn vai trò đại diện và là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền.