Cụ thể trong 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh ước đón hơn 5,3 triệu lượt khách (đạt xấp xỉ 79% kế hoạch năm), còn doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 13.450 tỷ đồng (bằng 81,5% kế hoạch đề ra). Trước khi bước vào cao điểm du lịch hè 2023, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận từng dự báo trong quý III/2023 địa phương tiếp tục đón khoảng 2,4 triệu lượt khách, tức bình quân đạt 800.000 lượt khách/tháng. Và số liệu thống kê trong tháng đầu của quý III cũng cho thấy riêng tháng 7 vừa qua, du lịch địa phương ước đón 847.000 lượt khách, tăng gần 63% so cùng kỳ với doanh thu đạt hơn 2.100 tỷ đồng, trong khi tháng cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 922,3 tỷ đồng.
Đạt kết quả như trên là nhờ nhiều yếu tố thuận lợi: Được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã đưa vào sử dụng, điểm đến có thế mạnh về du lịch biển - đảo, thời tiết ủng hộ cho các hoạt động du lịch... Bên cạnh đó cũng ghi nhận sự nỗ lực của địa phương và toàn ngành trong xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”, triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy lợi thế để thu hút du khách. Với sự phục hồi mạnh mẽ thời hậu đại dịch Covid - 19, du lịch Bình Thuận không những phấn đấu sớm cán đích các chỉ tiêu chủ yếu của ngành trong năm nay (đón 6,72 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.900 tỷ đồng) mà còn tính đến phát triển “đường dài”…
Như mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Theo đó, Bình Thuận đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững và tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào Khu du lịch quốc gia cũng như phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Cùng với đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Triển khai kế hoạch này, Sở Kế hoạch - Đầu tư được giao thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là với nhà đầu tư chiến lược nhằm phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch quốc tế và những ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch (hàng không, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ…) để thúc đẩy chi tiêu của du khách. Trong thu hút đầu tư sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng tại khu du lịch quốc gia hoặc khu vực tiềm năng phát triển để hình thành các điểm đến đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, còn chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện đề án Phát triển kinh tế đêm của tỉnh đến năm 2030, phấn đấu trong giai đoạn này có ít nhất một khu vực kiểu mẫu đi vào hoạt động sau khi đề án được phê duyệt…
Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường và kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng, liên vùng… tiến tới hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan du lịch quốc gia, doanh nghiệp lớn. Mặt khác sẽ chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa phương liên quan đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch cũng như chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”. Tiếp nữa là tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa hiện tại và mở rộng các thị trường tiềm năng có khả năng tăng trưởng nhanh với nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, tiếp thị để thu hút du khách trong nước lẫn quốc tế, xúc tiến xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi và “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”.
Trong khi đó, các địa phương sẽ tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn tại bãi tắm công cộng, đối với hoạt động vui chơi giải trí trên đồi cát cũng đảm bảo an toàn cho du khách. Chấn chỉnh kịp thời các vấn đề về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ở khu - điểm du lịch, giải quyết và xử lý hiệu quả tình trạng buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm bãi biển, hàng rong chèo kéo du khách, ca nô nước… gây mất mỹ quan, thiếu văn minh, lịch sự ở các khu du lịch cộng đồng.
Cùng tham gia, các hiệp hội ngành nghề của tỉnh sẽ tích cực khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE và Wellness. Bên cạnh đó cũng nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu các dòng sản phẩm hướng đến thu hút, phục vụ đa dạng các dòng du khách chi tiêu cao, ở dài ngày…