Kết quả và hạn chế
Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quán triệt nghị quyết trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hàng năm của ngành, địa phương; định kỳ hàng tháng, quý, thông qua các cuộc họp, hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để huy động tối đa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Phong trào nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ trong phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là làm giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, kênh mương nội đồng tiếp tục được phát huy; từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách nhà nước.
2 năm qua, tỉnh đã tập trung ưu tiên bố trí vốn ngân sách đẩy mạnh đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai đầu tư và đưa vào khai thác 2 tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, kết nối vùng, tạo động lực phát triển. Hệ thống đường giao thông liên huyện, đường giao thông từ trung tâm huyện đến các xã, thôn cơ bản đã được đầu tư liên thông. Đã thu hút được các dự án năng lượng, du lịch ngoài ngân sách có quy mô lớn. Hạ tầng đô thị, các công trình, dự án thương mại dịch vụ, du lịch năng lượng, thủy lợi, cảng biển, kè biển, y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao tiếp tục được đầu tư. Phong trào xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” tiếp tục được phát huy. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt 129.819 tỷ đồng, tăng bình quân 14,2%/năm, đạt 51,29% so với mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU đề ra (250.000 tỷ đồng), trong đó vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước 34.383 tỷ đồng, chiếm 26,48% (mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU là 12 - 14%). Chi đầu tư phát triển đạt 38,65% so với tổng chi ngân sách địa phương (mục tiêu Nghị quyết số 08- NQ/TU là 35%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ. Tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm của tỉnh còn chậm. Trục đường ven biển chưa được kết nối thông suốt. Đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp còn chậm so với tiến độ đề ra. Việc huy động vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, chủ yếu huy động từ xổ số kiến thiết. Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh còn thấp, tỷ lệ vốn đầu tư từ thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết còn khá cao. Một số dự án đầu tư nhiều năm chưa hoàn thành. Nhiều công trình xuống cấp nhưng việc sửa chữa, nâng cấp còn chậm, nhất là hạ tầng các cơ sở y tế. Hạ tầng văn hóa - xã hội, thể dục, thể thao chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Nhiều dự án (kể cả dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước) chậm triển khai. Việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công còn chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Các hoạt động xây dựng, chỉnh trang đô thị, nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” ở một số địa phương chưa hiệu quả.
Giải pháp
Phát huy kết quả đạt được, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, Tỉnh ủy đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo đó tỉnh sẽ triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục rà soát, hoàn thành các quy hoạch chung, phân khu, chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch sử dụng đất các khu vực ven biển, khu đô thị, 2 bên các tuyến đường ĐT.706B, đường ĐT.719B, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành để phát huy nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm như: Dự án Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục hàng không dân dụng), đường ĐT.719B (trước mắt, tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác đoạn đường từ quốc lộ 1A đến cầu Suối Nhum), đường Hàm Kiệm – Tiến Thành, cầu Văn Thánh, kè sông Cà Ty, chung cư sông Cà Ty, tuyến đường ven biển; hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 1; hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp; chỉnh trang đô thị, nông thôn… và các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công hàng năm đạt tỷ lệ trên 95%. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách; khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ quỹ đất. Bố trí chi ngân sách theo hướng tập trung, dồn lực vào các dự án, công trình có tính chất tạo ra động lực mới, không gian mới để phát triển kinh tế - xã hội; các dự án tái định cư, các dự án kết nối liên vùng để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị, tái định cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị tại thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, các trung tâm huyện lỵ, các dự án đô thị thông minh; bố trí nguồn lực phù hợp đầu tư cho huyện đảo Phú Quý. Nâng cao hiệu quả đầu tư và kịp thời bố trí vốn thực hiện các dự án hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, rác thải, các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy hoạch, các dự án trên lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, các dự án tôn tạo, giữ gìn các thắng cảnh, di tích lịch sử và những công trình bức xúc, cấp bách khác của tỉnh. Đẩy mạnh phong trào “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, huy động nguồn lực trong nhân dân và các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, trước hết là đối với các xã đăng ký đạt chuẩn “nông thôn mới” giai đoạn 2020 – 2025. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hồ sơ giải quyết thủ tục đầu tư; chú ý cải thiện các chỉ số PCI, Par Index, SIPAS, PAPI để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai hoặc không có năng lực triển khai theo đúng quy định. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cán bộ, công chức trong tham mưu, phối hợp giải quyết công việc bảo đảm tiến độ, đúng thẩm quyền, không để tồn việc, trễ việc.