Hội thảo nhằm kết nối, trao đổi kỹ thuật giữa các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh để nắm bắt thực trạng sản xuất, các yêu cầu đáp ứng xuất khẩu sầu riêng. Từ đó có định hướng, thúc đẩy phát triển mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh…
Tại hội thảo, các đại biểu được thông tin về tình hình sản xuất, các yêu cầu và hướng dẫn xuất khẩu sầu riêng. Trong đó nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam. Thị trường này ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật, vì vậy khi xuất khẩu quả tươi đều phải tuân thủ các quy định này. Các đại biểu cũng được phổ biến kỹ thuật thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thông qua sản xuất theo VietGAP. Mặt khác, chia sẻ kinh nghiệm trồng, kỹ thuật thâm canh sầu riêng trên địa bàn Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc.
Theo Trung tâm Khuyến nông, diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh khoảng 2.400 ha, tập trung ở 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh. Trong đó có 1.800 ha đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất bình quân 10-25 tấn/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 40.000 tấn/năm.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với huyện Đức Linh xây dựng mô hình Thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi tại xã Đa Kai, quy mô 14 ha/14 hộ và hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAP 15 ha.