Theo dõi trên

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập

23/09/2022, 19:23

BTO-Phát triển thị trường khoa học & công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập là nội dung chính tại hội nghị trực tuyến do Chính phủ tổ chức, kết nối với các bộ ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành trong nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự, chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ ban ngành Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn, tổng công ty… Tham dự tại điểm cầu Bình Thuận, có ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt báo cáo cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với tinh thần sáng tạo, nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ KH&CN, cùng hợp tác ngày một sâu rộng của các doanh nghiệp, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta đã tạo ra nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Khoa học & công nghệ thể hiện vai trò quan trọng trong đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua đạt 45%, vượt yêu cầu nghị quyết Quốc hội đề ra mức 30-35%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,88%/năm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) nước ta đứng vị trí thứ 42/131 quốc gia/nền kinh tế.

img_5892.jpg
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

  Thị trường KH&CN nước ta là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là môi trường pháp lý, đầu tư, thương mại, diễn ra quan hệ giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa KH&CN được vận hành, điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.
Thời gian qua, thị trường KH&CN được hình thành, từng bước hoàn thiện, đạt một số kết quả. Từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN được hình thành, từng bước kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng với hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ban hành.

Nguồn cung hàng hoá KH&CN từ các viện nghiên cứu, trường đại học tăng đáng kể. Năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến các doanh nghiệp ngày càng tăng cao.
Trên 800 tổ chức trung gian thị trường KH&CN các loại hình thành, trong đó trên 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 1 sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc bộ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN, Nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp(IPPlatform.gov.vn) hoạt động hiệu quả.
Công tác xúc tiến thị trường KH&CN đẩy mạnh. Giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN tăng với tốc độ bình quân hàng năm đạt 20,9%, một số lĩnh vực tăng mạnh như chế biến thực phẩm tăng 24,2%, tài chính ngân hàng tăng 24,9%, chế biến gỗ tăng 27,4%, đặc biệt lĩnh vực điện tử máy tính tăng 30,5%. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt 12,47%.

Tuy nhiên, so nhu cầu thực tiễn, thị trường KH&CN còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc. Do vậy, phát triển triển thị trường KH&CN một cách mạnh mẽ là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vì vậy, hoạt động KH&CN, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cần có sự kết nối, chuyển giao cho doanh nghiệp trên địa bàn các địa phương. Các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ là cầu nối, kết nối với các đơn vị của Bộ để hỗ trợ lựa chọn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

  Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, sự vào cuộc tích cực của đội ngũ các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, thị trường KH&CN Việt Nam đạt một số kết quả nhất định.

Nguồn cung hàng hoá KH&CN từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, thông qua nhập khẩu từ nước ngoài tăng đáng kể. Các tổ chức trung gian thị trường KH&CN từng bước hình thành, trên 20 sàn giao dịch công nghệ đi vào hoạt động.

Tốc độ tăng giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN trên thị trường bình quân hàng năm đạt 20,9%. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thị trường KH&CN nước ta còn tồn tại nhiều vấn đề rào cản, khó khăn cần tháo gỡ…

Để phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, Chính phủ phát triển KH&CN; chú trọng 4 quan điểm: thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy hoạt động KH&CN đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, năng lực cạnh tranh.

Phát triển thị trường KH&CN lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phù hợp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hỗ trợ thị trường KH&CN phát triển, bảo đảm lợi ích các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; gắn kết phát triển thị trường KH&CN trong nước với thị trường toàn cầu, khu vực, phù hợp thông lệ quốc tế.

Thủ tướng  yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về thể chế,  chính sách để thị trường KH&CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại, hội nhập theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Các địa phương xây dựng, lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường KH&CN vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm, hàng năm. Chú trọng đầu tư, hỗ trợ hình thành các tổ chức dịch vụ công có tính hệ thống làm đầu mối hỗ trợ công nghệ cho các chuỗi ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD/năm.

Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN. Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại các vùng kinh tế trọng điểm; kết nối liên thông với các sàn giao dịch công nghệ khu vực, thế giới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học & Công nghệ định kỳ tháng 12 hàng năm tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ danh sách nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm tiếp theo phát triển thị trường KH&CN, triển khai hiệu quả Chương trình Phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030, các chương trình, chiến lược, kế hoạch liên quan khác.
Đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nguồn cung, cầu thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian nhất là các tổ chức trung gian thuộc tổ chức KH&CN lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN thuộc khu vực tư nhân. Phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN.

Tăng cường xúc tiến thị trường KH&CN tại các quốc gia có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KH&CN quy mô vùng, quốc gia, quốc tế; quảng bá thị trường KH&CN, đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư theo cả hai phương thức trực tuyến, trực tiếp.

img_5903.jpg
 Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Samsung chia sẻ phát triển thị trường khoa học & công nghệ tại Việt Nam

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh truyền thông, hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN; xây dựng cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật tích hợp dùng chung về thị trường KH&CN.
Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường KH&CN trong nước, quốc tế. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.

img_5902.jpg
 Điểm cầu ở Bình Thuận tham gia hội nghị phát triển thị trường khoa học & công nghệ

  Được biết, tại Bình Thuận, thị trường KH&CN đã được hình thành, đạt được một số kết quả nhất định. Khoa học & công nghệ đã có những đóng góp trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh đo bằng chỉ số TFP bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011 – 2015 là 29,6%, giai đoạn 2016 – 2020 là 32,48% (ở mức trung bình thấp so với cả nước).
Toàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp KH&CN, 29 tổ chức KH&CN (trong đó có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp nghề). Hình thành 1 trạm khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform).

Toàn tỉnh có 862 hoạt động nghiên cứu chế tạo, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, trung bình mỗi doanh nghiệp có 3,8 hoạt động; tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, được thương mại hóa. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN tại các doanh nghiệp là 787 tỷ đồng; trung bình mỗi doanh nghiệp đầu tư 3,4 tỷ đồng.

Cùng đó có 30 doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chiếm tỷ lệ 6%. Tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ 13,6 tỷ đồng/1.087 tỷ đồng tổng giá trị đổi mới công nghệ, chiếm tỷ lệ 1,25%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 1.593 đơn đăng ký nhãn hiệu, 132 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 48 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích; 2 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phú Quý: Cần chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho người dân
Hôm nay (23/9), Sở Công thương Bình Thuận đã có văn bản đến các đơn vị, doanh nghiệp liên quan, UBND huyện và các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Phú Quý, về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho người dân.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập