Theo dõi trên

Phó Giám đốc Sở TN&MT: việc cấp phép khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế

29/10/2016, 10:03

BTO - Như chúng tôi đã phản ánh, tình hình khai thác vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản thông thường đang diễn ra phức tạp, không chỉ trên địa bàn Tánh Linh mà còn cả các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Đức Linh. Vì sao có tình trạng trên và giải pháp nào để chấn chỉnh trong thời gian tới? Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Việt – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận về vấn đề này.

    

Phóng viên: Như chúng tôi đã phản ánh, trong thời gian qua, tình hình khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, xin ông cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Ông Lê Hùng Việt – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận: Nguyên nhân là do thực trạng cấp phép khai thác 02 loại khoáng sản này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế ở các địa phương. Việc cấp phép không đáp ứng được nhu cầu thực tế vì:

- Các giấy phép cấp theo Luật Khoáng sản năm 2005 phần lớn có thời gian dưới 03 năm nên hầu hết đến nay đã hết hạn; sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 thì các văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm ban hành, đến cuối năm 2014 mới cơ bản đầy đủ, đồng thời việc cấp phép khai thác khoáng sản được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật khác như: Bảo vệ môi trường, Đất đai, Tài nguyên nước, v.v..  nên việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản bị gián đoạn trong thời gian dài.

- Về quy định cấp phép theo Luật Khoáng sản 2010 có nhiều quy định thay đổi khá lớn so với trước đây như phải qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thủ tục cấp phép khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng cũng như khoáng sản quý hiếm khác cũng có thay đổi nên mất nhiều thời gian thực hiện.

Phóng viên: Trước hàng loạt vụ khai thác khoáng sản trái phép được báo chí phát hiện phản ánh, vậy theo ông trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường thuộc cơ quan nào?

Ông Lê Hùng Việt: Tại khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 81 của Luật Khoáng sản, điểm m khoản 3 Chỉ thị số 03 ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã đối với việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Ngoài ra theo Điều 11 và Điều 12 Quyết định số 41 ngày 08/9/2015 của UBND tỉnh quy định trong phạm quy địa giới của xã, nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trong khu vực khoáng sản chưa khai thác thì Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tại Quyết định số 1269 ngày 09/5/2016 để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các khu vực khai thác khoáng sản trái phép đang trở thành điểm nóng, đề xuất xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản hoặc để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra mà không có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Phóng viên: Vậy ngành Tài nguyên và Môi trường có giải pháp nào trong việc chấn chỉnh và xử lý dứt điểm tình hình trên trong thời gian tới?

Ông Lê Hùng Việt: Để tiếp tục quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản thời gian đến, chúng tôi tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương mà pháp luật đã quy định.

- Phối hợp Sở Xây dựng thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016 – 2020 làm căn cứ và cơ sở quản lý cấp phép phục vụ cho công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị đã tham gia và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 12 khu vực hoàn tất thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác để đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tiếp tục đẩy nhanh công tác cấp giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường để đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

 - Đề xuất với Bộ, ngành, Trung ương hướng dẫn thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản đối với loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng đơn giản thủ tục không như thủ tục cấp phép các loại khoáng sản khác như vàng, titan,...

Tôi tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ trên, hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng đi vào nền nếp, ổn định.

Minh Chương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Giám đốc Sở TN&MT: việc cấp phép khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế