Quanh cảnh buổi làm việc vừa diễn ra tại TP. Phan Thiết.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó ghi nhận trong hơn 3 năm qua dù còn không ít khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra, góp phần đưa kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và các ngành kinh tế phát triển đồng đều, một số tiềm năng lợi thế của Bình Thuận khai thác ngày càng tốt hơn.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, đặc biệt công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng liên tục với mức tương đối cao. Với các ngành dịch vụ du lịch vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, sản xuất nông - lâm - thủy sản phát triển theo hướng nâng dần chất lượng… Bên cạnh thu ngân sách đạt khá thì các nguồn lực cho đầu tư phát triển được huy động nhiều hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu cũng như thu hút, xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh.
Lãnh đạo tỉnh trao quà lưu niệm tặng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. |
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy hải sản vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển dân sinh, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều cố gắng. Trong khi phong trào chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới luôn được địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai đạt kết quả, dự kiến đến cuối năm 2019 có 60/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 62,5%)…
Hướng tới giai đoạn tiếp theo, tỉnh Bình Thuận đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021 - 2025. Trong đó phấn đấu đạttốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm là 7,67%,GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.600 USD, tỷ lệ thu nội địa (chưa tính các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu) so với GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,5%...
Dịp này, Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương chỉ đạo, tháo gỡ một số “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhất là sớm gỡ vướng cho các dự án du lịch, năng lượng tái tạo nằm trong vùng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và quy hoạch dự trữ quặng titan. Xem xét, điều chỉnh tiến độ đầu tư một số công trình truyền tải trước năm 2020, tạo điều kiện cho địa phương tiêu thụ hết công suất các dự án điện mặt trời.
Ngoài ra còn xem xét, bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhằm kết nối, khai thác hiện quả Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Đồng thời kiến nghị Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư Sân bay Phan Thiết, cho chủ trương đầu tư dự án Hồ La Ngà 3 và đồng ý về chủ trương nghiên cứu lập thủ tục đầu tư dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.
Trao đổi với địa phương, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các Bộ ngành Trung ương đã góp ý về những vấn đề mà Bình Thuận quan tâm, kiến nghị giải quyết những “điểm nghẽn”. Như các dự án chồng lấn quy hoạch titan, đẩy nhanh tiến độ triển khai Sân bay Phan Thiết, khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo, đầu tư kết nối hệ thống giao thông, xóa điểm nóng về ô nhiễm môi trường…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà cho tỉnh Bình Thuận, |
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Bình Thuận đã đạt được trong thời gian qua. Dù vậy cũng lưu ý một số mặt tồn tại, hạn chế cần sớm kịp thời tìm hướng giải quyết hiệu quả và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững.
Do vậy sau buổi làm việc và Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, tỉnh nên chủ động phối hợp các Bộ ngành Trung ương tập trung tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo bước chuyển đổi mới cho Bình Thuận. Đồng thời tiếp tục quán triệt Nghị quyết về phát triển kinh tế biển vì địa phương sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển du lịch biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến, điện gió ngoài khơi…
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị địa phương tập trung những giải pháp trọng tâm thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là về du lịch, dịch vụ. Trong đó cần xây dựng gắn kết giữa du lịch và đô thị biển, tạo hành lang phát triển du lịch xứng tầm, phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Với điều kiện của địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tin rằng tỉnh sẽ khắc phục khó khăn, phát huy kết quả đạt được để đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững.
Nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đã thay mặt địa phương cảm ơn, trao quà lưu niệm tặng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
QUỐC TÍN. Ảnh: ĐÌNH HÒA