Theo dõi trên

Phóng viên thời công nghệ số

21/06/2023, 05:41

Trước kia loại hình báo chí đa phương tiện còn là khái niệm mới mẻ, lạ lẫm, nay đã quá quen thuộc buộc phóng viên phải cập nhật để bắt kịp xu thế.

img_3100.jpg
Phóng viên tác nghiệp trong thời công nghệ số.

Buộc phải thay đổi

Vào thập niên 1990 của thế kỷ trước, khi đó công nghệ thông tin còn đang manh nha phát triển. Mỗi cơ quan đơn vị hành chính có vài máy tính, ngoại trừ những nơi hoạt động lĩnh vực công nghệ thông tin. Cơ quan Báo Bình Thuận khi đó có khoảng 4 – 5 máy tính phục vụ cho việc xuất bản tờ báo in duy nhất. Phóng viên không có trang thiết bị nào khác ngoài cây bút, cuốn sổ ghi chép và máy chụp ảnh bằng phim. Họ viết bài trên giấy kèm theo bức ảnh tự rửa từ phim, chuyển cho trưởng phòng, tòa soạn biên tập, gõ lại, dàn trang xuất bản báo.

bo-phan-toa-soan-dien-tu-anh-nl-.jpg
Tòa soạn hội tụ (ảnh; Ng.Lân)

Đến đầu thập niên 2000 – 2010, công nghệ thông tin có bước tiến thêm, nhiều phóng viên viết bài trên máy tính, nhất là phóng viên trẻ. Một số phóng viên kỳ cựu chưa quen với bàn phím, sau đó cũng bắt kịp xu thế khi Báo Bình Thuận hình thành trang tin điện tử, rồi chuyển thành trang báo điện tử.

Từ đó đến nay công nghệ thông tin phát triển mạnh làm thay đổi cả về lượng và chất của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. “Thế giới nằm trên mười ngón tay bạn”, nhà tỷ phú Bill Gates đã nói về sức mạnh khuynh đảo thế giới của nền công nghệ số. Các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Bình Thuận chuyển sang hướng báo chí đa phương tiện. Với một tòa soạn hội tụ gồm nhiều loại hình báo chí như: Báo giấy, báo điện tử, media, các clip…

c0074t01.jpg
Ngoài máy tính bàn còn có các thiết bị khác hỗ  trợ (ảnh: Ng.Lân)

Trong môi trường làm việc như vậy buộc phóng viên phải thay đổi cách làm đáp ứng yêu cầu của tòa soạn. Theo đó, ngoài máy ảnh, máy tính - những thiết bị quan trọng không thể thiếu của người làm báo, thì còn phải trang bị thêm laptop, điện thoại cảm ứng… thuận tiện tác nghiệp. “Phóng viên bây giờ có điều kiện hơn trước kia, có nhiều trang thiết bị tiện lợi phục vụ tốt cho việc tác nghiệp… Họ có thể viết bài ở bất cứ đâu và có nhiều kênh thông tin phát hiện đề tài. Đặc biệt mạng xã hội - kênh tiếp nhận thông tin công dân phản ánh trực tiếp mọi mặt đời sống bằng hình ảnh, ngôn ngữ thật…”, một cựu phóng viên chia sẻ.

Ngoài ra, phóng viên có thể tham gia viết bài gửi cho nhiều loại hình báo chí như: báo in, báo điện tử, tạp chí… Với báo điện tử có thể gửi tác phẩm kèm theo clip minh họa cho bài viết. Cùng với đó, những người làm công việc xuất bản báo thầm lặng, dễ dàng sử dụng tin, bài của phóng viên, nếu không sử dụng báo in thì linh động chuyển qua báo điện tử...

Cần năng động cập nhật

Tuy môi trường làm việc vậy, nhưng còn nhiều phóng viên chưa phát huy hết khả năng của mình trong chuyển đổi số báo chí hiện nay, nhất là phóng viên báo tỉnh. Cụ thể, báo điện tử - loại hình báo chí chủ lực hiện nay vốn tích hợp nhiều trong số các phương tiện truyền tải thông tin: văn bản; hình ảnh tĩnh, động; đồ họa, âm thanh, video… nhưng một số phóng viên chỉ dừng lại ở việc viết bài, chụp ảnh gửi cho tòa soạn. Phóng viên thường trú của các báo Trung ương làm tốt hơn, họ không chỉ dừng lại ở việc viết tin, bài, nhiều người còn đảm nhận việc quay phim, dựng hình và biên tập sản phẩm báo chí. Đặc biệt, khi báo chí đang trên “đường đua” thông tin với mạng xã hội, độc giả có xu hướng đọc ngắn, lướt nhanh và ấn tượng với hình ảnh đẹp thì buộc mỗi phóng viên phải tìm tòi, nâng cao năng lực, nghiệp vụ…

Khi bước vào thời kỳ công nghệ số, các thiết bị điện tử được kết nối với nhau, từ đó hỗ trợ rất nhiều cho phóng viên trong lúc tác nghiệp, nhất là khi tác nghiệp tại vùng khó khăn và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Công nghệ số đã mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng đòi hỏi mỗi phóng viên phải thành thạo, nắm bắt các xu thế để không bị thụt lùi, chậm so với các đồng nghiệp và các tờ báo khác.

Cuốn “Nhà báo hiện đại” (được nhà Xuất bản trẻ chỉnh biên từ giáo trình News reporting and Writing của Ban biên soạn The Missouri Group thuộc khoa Báo chí, Đại học Missouri) nói rằng, “Trong ngành công nghiệp truyền thông, sẽ có rất nhiều việc làm cho các nhà báo. Rốt cuộc, vẫn phải có một ai đó thu thập tin tức và tổ chức nó thành một chương trình dễ tiếp thu, hữu dụng. Nhưng những dịch vụ truyền thông mới sẽ đòi hỏi các nhà báo có trình độ, kỹ năng rộng hơn. Trong khi một số nhà báo có thể tập trung vào viết như bây giờ, thì họ sẽ phải thể hiện sự đánh giá phong phú hơn qua hình ảnh, biểu đồ, đồ thị và thậm chí các thiết bị nghe, nhìn có thể bổ sung cho bài báo của họ”.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Muôn màu phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc
BTO- Trong những ngày Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra tại thủ đô Hà Nội, đã có hơn 600 cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương, báo ngành và các hãng thông tấn ngoài nước đưa tin về đại hội.
Nổi bật
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc với Hội Nông dân Bình Thuận
BTO-Chiều 6/9, Đoàn công tác do bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới (gọi tắt Nghị quyết 19) trên địa bàn tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phóng viên thời công nghệ số