Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNTchủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tập trung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác mở cửa thị trường; giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt chú trọng tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số…
Riêng các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản. Tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện hiểu và nắm được các quy định về cấp, quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định.
UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Chủ động có biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28/3/2022 đến các tỉnh, thành về nội dung này.