Theo dõi trên

Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - không sợ tín nhiệm thấp

28/03/2023, 05:29

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”... Lời dạy đó của Người luôn là quan điểm, kim chỉ nam hành động của Ðảng trong công tác cán bộ, nhất là đánh giá cán bộ.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96 về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và người dân.

mg-0251.jpg

Lấy phiếu tín nhiệm - việc làm cần thiết

Lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương của Đảng nhằm đánh giá cán bộ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác đánh giá cán bộ. Nhờ đó, công tác đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới về nội dung và phương pháp, từng bước góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.

Điển hình như Quy định 262-QĐ/TW năm 2014 về “Việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Hay như Nghị quyết 28-NQ/TW, Hội nghị TW6 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” ban hành năm 2022, với chủ trương: “Đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều… phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể”.

Và mới đây, trước những yêu cầu thực tiễn, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96 về Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Việc ban hành quy định nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và người dân. Nhiều đảng viên hưu trí cho rằng, sự ra đời của Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay có ý nghĩa rất lớn. Quy định ra đời thể hiện một bước phát triển mới về công tác cán bộ; theo đó bổ sung, hoàn thiện những biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt, khắc phục được tính hình thức trong lấy phiếu tín nhiệm giai đoạn trước kia.

“Trước đây Quốc hội cũng lấy phiếu tín nhiệm chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn gồm 3 bước: Một là tín nhiệm cao, hai là tín nhiệm và ba là tín nhiệm thấp. Nhưng việc lấy phiếu cũng chỉ để nắm được tình hình, không đi đến quyết định về miễn nhiệm. Lần này Quy định 96 đã quy định rất rõ việc miễn nhiệm”, - một cán bộ đảng viên hưu trí cho biết.

Quy định có nhiều điểm mới

Quy định 96 lần này có nhiều điểm mới so với những quy định cũ. Chẳng hạn như, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Theo đó, lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 không còn là để “cho biết” nữa, mà là để làm căn cứ cho việc sử dụng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu, thực hiện chính sách đối với cán bộ. Quy định nêu rõ, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Đây có thể được xem là thước đo quan trọng phản ánh năng lực cũng như quá trình hoạt động của cán bộ quản lý, lãnh đạo.

Điểm mới thứ 2 trong Quy định 96 đó là tiêu chí “sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” đã được đề cập đến. Điểm mới này được dư luận hết sức đồng tình ủng hộ. Bởi trên thực tế, không hiếm cán bộ đôi lúc vì công việc, đã quên để mắt đến gia đình để vợ (chồng), con cái muốn làm gì thì làm. Và cũng thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp vợ (chồng), hoặc con cái này đã dựa hơi chồng (vợ), cha (mẹ) của mình để gây nhiều hệ lụy, bức xúc cho xã hội...

Cùng với 2 điểm mới trên, thì quy định cũ chia làm ba nhóm cán bộ lấy phiếu tín nhiệm (gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh cán bộ khác) thì quy định mới chỉ chia làm hai nhóm. Cụ thể, nhóm một là các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị, và nhóm hai là các chức danh cán bộ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, khi Quy định 96 được ban hành, sẽ xuất hiện tâm lý lo lắng có thể ở đâu đó sẽ có tình trạng cán bộ dám nghĩ, dám làm thường có phiếu tín nhiệm thấp, bởi hay va chạm. Ngược lại, những cán bộ yên phận, không dám làm thì nhiều khi lại được phiếu tín nhiệm cao vì không va chạm với ai. Đây cũng là nỗi lo chính đáng. Tuy nhiên, nếu mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi đảng viên thực hiện đúng nội dung trong Quy định số 96, kết hợp thực hiện tốt Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì sẽ không có trường hợp đó xảy ra.

Đặc biệt, để hiện thực hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị, từng cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc, khắc phục triệt để những hạn chế, để việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định này đi vào thực chất, từ đó đánh giá cán bộ đúng hơn, quy hoạch và đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ cũng chính xác hơn… đảm bảo được yếu tố khách quan và sẽ tạo được những đột phá trong công tác đánh giá cán bộ.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận
Tiếp tục chương trình công tác tại Bình Thuận, sáng nay 26/3, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và quý I/2023.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - không sợ tín nhiệm thấp