Đi rồi lại về!
Chủ trương này được các xã, phường đẩy mạnh từ tháng 12/2016. Cũng thời gian đó, rất nhiều cơ sở KDPL đã rục rịch tìm mặt bằng mới ở các xã lân cận như Phong Nẫm, Hàm Thắng, Tiến Thành, Tiến Lợi… Tuy nhiên, sau 1-2 tháng kinh doanh ở chỗ mới, việc mua bán phế liệu vô cùng khó khăn, giảm số lượng nhiều so với chỗ cũ do địa bàn di chuyển xa. Do đó, đa số chủ các cơ sở KDPL lại quay về nơi cũ lén lút thu mua, hoặc làm nơi trung chuyển cho một ngày thu gom. Chị Lê Thị Ngãi – chủ cơ sở KDPL ở phường Hưng Long cho biết: “Tôi là một trong những cơ sở đầu tiên chấp hành chủ trương của tỉnh. Cuối năm 2016 tôi đã chuyển cơ sở đến địa điểm mới. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trời, việc thu mua phế liệu giảm số lượng hẳn. Những người thu mua nhỏ lẻ trước đây bán cho cơ sở của tôi, nay đành phải sang chỗ khác gần hơn. Không thu mua được, tôi đành phải quay về mặt bằng cũ để tiếp tục mưu sinh”. Không riêng gì chị Ngãi, anh Hiền, anh Vinh có cơ sở KDPL ở phường Phú Thủy cũng đi rồi lại về vì chỗ mới xa, việc thu mua phế liệu bị hạn chế.
Có thể thấy, việc giải quyết dứt điểm tình trạng này vẫn còn là vấn đề nan giải, khi số cơ sở cũ chưa chịu dọn đi trong khi số cơ sở mới đi lại quay về. Chủ những cơ sở KDPL đã chấp hành di dời cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên ngành chức năng phải thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng hộ đi, hộ ở, hộ lén lút thu mua dẫn đến sự mất công bằng trong kinh doanh. Chị Ngãi tâm sự thêm: “Nếu hơn 100 cơ sở KDPL đều di dời khỏi khu dân cư tập trung, thì sẽ phát sinh rất nhiều điểm chứa phế liệu khác từ những người thu mua nhỏ lẻ. Do khoảng cách xa, để tiết kiệm chi phí, họ sẽ dồn hàng tại nhà riêng vài ngày sau đó mới thuê xe chở đến vựa. Lúc đó nguy cơ cháy nổ hay mỹ quan đô thị sẽ nhếch nhác thêm. Vừa rồi lãnh đạo phường Hưng Long yêu cầu trước 20/3 chúng tôi phải di dời, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính và cưỡng chế. Chúng tôi sẽ chấp hành chủ trương của Nhà nước, tuy nhiên TP. Phan Thiết cần có phương án quy hoạch điểm thu mua phế liệu tập trung, phân lô cho thuê, cấp phép kinh doanh và thu thuế đàng hoàng. Có như vậy, các cơ sở KDPL mới yên tâm làm ăn và giải quyết một lượng lớn lao động phổ thông, cũng như hạn chế phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác và phế liệu thừa thải”.
Quy hoạch điểm tập trung?
Phương án đó cũng đã được UBND TP. Phan Thiết đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí khu vực 5 ha đất rừng tại xã Tiến Thành làm điểm thu mua phế liệu tập trung. Tuy nhiên, khu vực đó lại chồng lấn dự án du lịch nên chưa được các sở, ngành của tỉnh thông qua. Hiện nay, UBND thành phố đang rà soát, điều chỉnh vị trí các khu vực trên cho phù hợp. Theo thống kê, TP. Phan Thiết có khoảng 120 cơ sở thu mua phế liệu, hầu hết các cơ sở này nằm trong khu vực nội thành, khu dân cư. Quá trình hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu, đã dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn khi tập kết phế liệu và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao gây bức xúc đối với các hộ dân sống xung quanh.
Thời gian qua, công tác triển khai buộc ngưng hoạt động, di dời các cơ sở KDPL ra khỏi khu dân cư tập trung đã được UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt. Đến thời điểm này, đã có 73 cơ sở KDPL chấm dứt hoạt động, di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề khác (đạt hơn 60,8%), trong đó có 4 phường, xã hoàn thành dứt điểm: Đức Thắng, Lạc Đạo, Xuân An và xã Tiến Thành. Đây là sự nỗ lực rất lớn vì số lượng cơ sở KDPL trên địa bàn thành phố rất lớn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, vẫn còn 47 cơ sở còn hoạt động gần khu dân cư, tập trung ở các phường như: Mũi Né (8 cơ sở), Phú Thủy (4 cơ sở), Phú Trinh (4 cơ sở), Đức Long (4 cơ sở), Phú Tài (4 cơ sở), Tiến Lợi (7 cơ sở)… Thời gian đến, để các cơ sở thu mua phế liệu không phải hoạt động lén lút, an tâm kinh doanh tại chỗ mới, TP. Phan Thiết cần quyết liệt hơn, có chế tài mạnh tay đối với những điểm KDPL chưa chịu di dời để tạo sự công bằng cho những điểm thu mua khác và góp phần làm mỹ quan đô thị đẹp hơn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường nhằm hoàn thành công việc này trước ngày 1/7/2017.
Minh Vân