Theo dõi trên

Quy hoạch tuyến đường ven biển TP. Phan Thiết đến năm 2040: Đề án đột phá cho không gian ven biển

19/04/2023, 05:31

“Ý tưởng về quy hoạch tuyến đường ven biển TP. Phan Thiết phù hợp” được Câu lạc bộ trí thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh định hướng trong buổi sinh hoạt chuyên đề cuối tuần qua đã được nhiều trí thức tâm đắc. Việc quy hoạch trên là cần thiết phù hợp để định hướng phát triển thành phố du lịch ven biển, trong xu hướng hội nhập, phát triển.

Quy hoạch mở rộng không gian biển

Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết đã chia sẻ thông tin cùng đội ngũ trí thức. Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, chủ trương mở rộng TP. Phan Thiết từ hơn 15 năm trước đây đã được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 71/2008/NQ-HĐND, UBND tỉnh có Quyết định số 434/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung liên quan này. Cách đây chưa lâu, trong chuyến thăm Bình Thuận, làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh vào ngày 31/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ví von “bản đồ TP. Phan Thiết như chiếc lá tre ven biển, cần phải được mở rộng không gian, đón lấy cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội những năm tới”. Từ định hướng cấp thiết ấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) thống nhất chủ trương mở rộng TP. Phan Thiết và định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng của thành phố ven biển này, thông qua Kết luận số 703-KL/TU, ngày 15/3/2023.

quang-canh-thanh-pho-phan-thiet-anh-ngoc-lan-3-.jpg
Sông Cà Ty chảy qua giữa lòng thành phố biển Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân.

Theo đó, đề án quy hoạch trục đường ven biển TP. Phan Thiết được hình thành trên cơ sở quy hoạch chung TP. Phan Thiết đến năm 2040, mở rộng diện tích hiện trạng từ hơn 210 km2 lên hơn 276 km2, theo QĐ số 1197 của UBND tỉnh vào năm 2020. Đây là định hướng phù hợp trong thực hiện NQ 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung và các tỉnh có biển đều quy hoạch, xây dựng các tuyến đường ven biển để tăng cường kết nối liên thông giữa các vùng, miền và nội bộ từng địa phương, khai thác tiềm năng kinh tế biển một cách bền vững, hiệu quả; không cấp phép xây dựng các công trình, dự án phía bờ biển, tiến tới giải phóng mặt bằng, tạo đường bờ biển, bãi biển thông thoáng (không có công trình, dự án) nhằm tăng cường khả năng tiếp cận biển cho người dân, doanh nghiệp cũng như xây dựng, chỉnh trang các đô thị biển ngày càng hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

“Điểm nhấn” trục đường ven biển

TP. Phan Thiết là đô thị du lịch biển, chiều dài bờ biển khoảng 57 km; thực trạng trục ven biển của thành phố hiện nay bị chia cắt bởi các cửa sông, khu dân cư hiện hữu, các dự án du lịch, đô thị. Hiện trạng Quy hoạch xây dựng, cảnh quan, môi trường khu vực ven biển chưa đẹp, nhiều vị trí đã được cấp phép xây dựng các công trình du lịch sát biển, có nơi cấp phép xây dựng cao tầng, che khuất tầm nhìn; khu vực bãi biển công cộng phục vụ nhân dân, du khách trên địa bàn thành phố không còn nhiều. “Do vậy, TP. Phan Thiết quy hoạch tuyến đường ven biển thông suốt từ phía Bắc (giáp xã Hồng Phong, Bắc Bình) đến phía Nam (giáp xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam), tạo tuyến đường kết nối khu vực ven biển thông suốt. Trong định hướng quy hoạch này, thành phố ưu tiên mở rộng các tuyến đường, xây cầu vượt cửa sông qua khu vực các phường Phú Hài, Thanh Hải, Phú Thủy, Hưng Long, Đức Thắng, Lạc Đạo, Đức Long, xã Tiến Thành. Đó là hình thành cầu vượt cửa sông Cái, đường ven biển kết nối từ đường số 1/5 (phường Phú Hài) đến cầu vượt cửa sông Cái đến đường Lê Lợi; cầu vượt cửa sông Cà Ty, đường ven biển kết nối từ đường Lê Lợi, cầu vượt sông Cà Ty đến đường Trần Lê, đường Lạc Long Quân”, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân chia sẻ.

Các khu vực liên quan trên, thành phố không cấp phép xây dựng (mới) các công trình phía biển (từ tuyến đường ven biển hướng ra phía biển, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng phục vụ cộng đồng) nhằm tạo ra bãi biển thông thoáng, tăng cường khả năng tiếp cận biển cho người dân địa phương, du khách và thực hiện nghiêm việc bảo vệ bờ biển theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đối với các dự án đủ điều kiện pháp lý về điều khoản chuyển tiếp, chính quyền thành phố thảo luận với nhà đầu tư để giải quyết phù hợp trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp với quan điểm đặt lợi ích Nhà nước, người dân, cộng đồng trên hết, vì mục tiêu phát triển bền vững TP. Phan Thiết. UBND thành phố kiến nghị tỉnh thu hồi các dự án đã cấp phép đầu tư trước đây trong khu vực bảo vệ bờ biển nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai để xây dựng công viên, công trình công cộng, phục vụ cộng đồng. Thành phố sẽ triển khai phương án di dời các khu dân cư phía biển của tuyến đường Lạc Long Quân, đường ĐT.719 về phía đối diện; bố trí tái định cư nơi thuận lợi để nhân dân sinh sống nghề biển hoặc phát triển dịch vụ du lịch với phương châm “người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Quy hoạch phát triển hài hòa

Góp ý cho đề án quy hoạch trục đường ven biển, ông Trần Anh Tuấn, nguyên giám đốc Sở Xây dựng, thành viên Câu lạc bộ trí thức tỉnh cho rằng: “Trong xu hướng phát triển, quy hoạch mở rộng thành phố là cần thiết. Nhất là trục đường ven biển, bởi đây là dự án “táo bạo” khai thác lưu thông, cảnh quan ven biển, với 2 cầu vượt sông, nhu cầu vốn vài ngàn tỷ đồng. Dự án sẽ được nhiều người dân quan tâm, ủng hộ, bởi đem đến lợi ích cho cộng đồng. Thành phố cùng với tỉnh có kế hoạch phù hợp trong những năm tiếp theo nhằm huy động các nguồn vốn lớn xây cầu vượt, làm đường kết nối theo phương án quy hoạch đến năm 2040”. Một thành viên Câu lạc bộ trí thức đang công tác ở Sở Xây dựng cho rằng, “quy hoạch trục đường ven biển, thành phố phối hợp sở ngành chức năng, đơn vị liên quan, nghiên cứu dự án cụ thể, khả năng vốn đầu tư những năm tới, để có thể đưa vào triển khai từng giai đoạn đến năm 2040”. Nhiều ý kiến khác của Câu lạc bộ trí thức bày tỏ, cùng với quy hoạch dài hơi trục đường ven biển, trước mắt UBND TP. Phan Thiết tranh thủ vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADP) đẩy nhanh tiến độ cải tạo kè hai bên sông Cà Ty dẫn lên đường Trường Chinh… Hiện tại, thành phố đã và đang ưu tiên các công trình thiết yếu ở khu vực đô thị trung tâm, như cải tạo công viên ven biển Đồi Dương, khởi công xây công viên Thương Chánh mở rộng không gian biển; xúc tiến đầu tư xây quảng trường biển Phan Thiết nằm về phía cuối đường Nguyễn Tất Thành để tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố; sẽ hình thành tuyến phố thương mại, đi bộ 2 bên đường Nguyễn Tất Thành... phục vụ người dân, du khách tham quan thành phố du lịch Phan Thiết.

THÁI KHOA


(7) Bình luận
Bài liên quan
Cân đối nguồn nước đảm bảo sinh hoạt, sản xuất
Theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 4 đến tháng 6/2023 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa 2023 có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai tổ chức sản xuất vụ hè thu năm bảo đảm đạt chỉ tiêu, cung ứng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân đến hết ngày 30/6.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch tuyến đường ven biển TP. Phan Thiết đến năm 2040: Đề án đột phá cho không gian ven biển