Theo dõi trên

Quyền lợi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội luôn được đảm bảo

21/03/2022, 07:12

Hiện nay, việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid -19 (F0) tại nhà theo Quyết định số 250/QĐ- BYT ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid - 19 đã triển khai trên toàn quốc. Theo đó, tại Bình Thuận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc bị F0 phải nghỉ việc điều trị tại nhà được hưởng chế độ BHXH.

Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế trong đó có nội dung quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Theo khoản 2, Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh “Cấp đầy đủ, kịp thời cho người lao động hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH theo quy định tại thông tư này”. Ngày 9/3/2022, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 829/SYT-NVY về việc giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động điều trị Covid -19, giao trách nhiệm cơ sở khám, chữa bệnh phải cung cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động.

img_0185.jpg
Khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19.

Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động (NLĐ) tham gia BHXH được hưởng chế độ ốm đau nếu bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Như vậy, nếu không may bị F0, NLĐ đang tham gia BHXH điều trị tại nhà sẽ được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm: Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với NLĐ điều trị nội trú; trường hợp NLĐ điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Như vậy, để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi Covid-19, NLĐ cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động bản sao giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú) trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ cho NLĐ trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Mức hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ ốm. NLĐ có thể nhận tiền qua một trong các hình thức như qua tài khoản cá nhân hoặc qua đơn vị sử dụng lao động. Về thời gian hưởng, tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày. Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để cơ sở y tế xem xét quyết định.

Theo Điều 26 Luật BHXH năm 2014, thời gian được hưởng chế độ ốm đau như sau: Lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng theo các mốc: đóng BHXH dưới 15 năm hưởng 30 ngày, đóng BHXH đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 40 ngày, đóng BHXH đủ từ 30 năm được hưởng 60 ngày. Lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc… được hưởng: đóng BHXH dưới 15 năm hưởng 40 ngày, đóng BHXH đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 50 ngày, đóng BHXH đủ từ 30 năm được hưởng 70 ngày.

Theo quy định, sau khi điều trị bệnh, nếu NLĐ đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của NLĐ vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 10 ngày đối với NLĐ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa 7 ngày đối với NLĐ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật; bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác. Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở.

Khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 8% thu nhập hàng tháng, NLĐ được hưởng lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Và chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, NLĐ nhận được với mức thu nhập bình quân đóng là 6 triệu đồng/tháng thì lương hưu là 4,5 triệu đồng/tháng. Do đó, làm bất cứ công việc nào, NLĐ cũng nên yêu cầu chủ sử dụng lao động tham gia BHXH cho mình vì đây quyền cơ bản của NLĐ mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ khi ký hợp đồng lao động từ 1 (một) tháng trở lên.

PHƯƠNG DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm sâu, vì sao?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm hỗ trợ cho người lao động tự do có cơ hội tích lũy để được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế (BHYT), hưởng chế độ tử tuất khi điều không may xảy ra. Hiện nay, BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ mức đóng và có nhiều phương thức đóng . Từ ngày 1/1/2022 người tham gia BHXH tự nguyện đóng theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyền lợi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội luôn được đảm bảo