Theo dõi trên

“Săn”… dời biển!

12/01/2024, 05:01

“Không có con cá, con mực nào chê mồi này hết. Dù đào khá cực và khó móc mồi, nhưng đây là loại thức ăn số một của nghề câu…” - ông Huỳnh Tâm (thôn Hà Thủy 2, xã Chí Công, huyện Tuy Phong) chia sẻ khi đang tranh thủ đào dời biển thời điểm thủy triều xuống.

Nghề vất vả

Sáng sớm những ngày cuối năm Quý Mão 2023 – thời điểm nước rút, thời tiết ở vùng ven biển xã Chí Công, huyện Tuy Phong cũng như nhiều điểm ven biển khác của Bình Thuận, chịu ảnh hưởng của biển động. Đó là cảm giác từng cơn gió bấc thổi mạnh, mang theo cái se lạnh, dù mặt trời có kịp chiếu nắng chói chang đi nữa.

z5060457434907_abedcb8d3df0f0bbc3f5ab09048b5c1d.jpg
Vùng ven biển Chí Công sôi động khi thủy triều xuống.

Với người dân bản địa, có lẽ đã quá quen thuộc với sự thay đổi thời tiết, với từng con nước lên xuống của thủy triều vào đầu và giữa tháng. Nhưng với người ở nơi khác đến như tôi, chắc hẳn không phải ai cũng thích nghi liền được nét đặc trưng khí hậu này. Họ cũng khó hiểu hết được những công việc hàng ngày vất vả của người dân cả một đời sống dựa vào nghề biển…

z5060450041263_44b1473304044116e7d44e6a137f8129.jpg
Ngư dân đào dời biển tại xã Chí Công.

Trời mới tinh mơ, nhưng bãi ven biển khu chợ cũ Chí Công đã ồn ào, náo nhiệt. Một phần vì sát chợ, một phần đúng dịp ngày cuối tháng âm lịch nên thủy triều xuống. Cách bờ một đoạn khá xa, hình ảnh những ngư dân, người làm hậu cần nghề biển như đầu nậu, bốc vác… và có cả người dân bản địa nối đuôi nhau ra điểm neo đậu của tàu cá để vận chuyển hải sản vào bờ. Khi con nước rút sâu, ở phía bờ sát những hộ dân sinh sống, một nhóm ngư dân khác tách hẳn khỏi không khí rộn ràng của buổi chợ.

Họ đang “đằm” mình, ngồi bệt xuống lớp bùn đất đen kịt, xen lẫn vô số vỏ sò, ốc và… rác, lọ mọ đào con dời biển. Hành trang họ mang theo là bộ đồ bảo hộ, đôi ủng dài, bao tay, ca nhựa nhỏ, một thùng đựng và cây xà beng.

z5060471558443_c5d3a2ecba2e3325f336b0f85dcb40c7.jpg
Đào dời nơi đất sình lầy.

Mới nhìn có vẻ công việc khá đơn giản, nhưng thực tế để làm được nghề này phải chịu khó, chịu bẩn, chịu lạnh, khi phải ngâm mình hàng tiếng đồng hồ dưới nước biển, sình bùn. Ngoài ra, để đào dời biển có hiệu quả, còn phải có “nghề”, đôi tay khéo léo, nhẹ nhàng cầm con dời nhỏ như đầu đũa, tránh làm đứt chúng sẽ dễ chết, không bán được giá và không trữ được.

Ngư dân đào dời biển tại xã Chí Công.

Do đào từ sớm, nên đến chừng 7 giờ sáng, mỗi người có mặt ở đó đã có trong tay 1/3 xô đựng sơn lớn, tầm 2 kg. Số thành phẩm này hiện đang được bán với giá khoảng 150.000 đồng/kg. Nguồn tiêu thụ chủ yếu cho các cơ sở nuôi tôm giống, hoặc bán làm mồi câu.

z5060451637398_f8b3734c0da57ee31102fed0831fde10.jpg
Dời biển sau khi được đào lên.

Mồi “bén” của các loại hải sản

Tận mắt chứng kiến thành phẩm thu được từ những ngư dân này, tôi thoáng bất ngờ và có chút rùng mình. Bởi đầu tiên nhìn thấy con dời biển, tôi trông chúng khá giống với loài giun đất, nhưng có độ nhớt và hai bên thân chi chít chân nhỏ, tua tủa…chẳng khác mấy so với con “rươi” sống ở các con sông vùng Bắc miền Trung.

z5060448317984_e0beec64e662e083f469c887193a464a.jpg
Ông Huỳnh Tâm chỉ chúng tôi cách thức đào dời biển.

Ông Huỳnh Tâm (thôn Hà Thủy 2, xã Chí Công) cũng là một ngư dân chuyên nghề câu mực, cá, cầm trong tay cái xô nhỏ, dẫn chúng tôi men theo các bậc đá, xuống phía dưới biển, nơi nước đã rút. Những tảng đá lớn ở bãi sò nhô lên, xung quanh bao phủ những lớp dày vỏ sò được chất đống qua nhiều năm. Ông Tâm lấy tay lật một hòn đá lên, chỉ tay xuống nói: Dời biển thường sống ở sát cạnh đá, luồn sâu vào lớp bùn đất. Nếu ai có kinh nghiệm đào dời lâu năm, khi lật viên đá lên sẽ thấy màu nước đục, hoặc tạo thành vết chỉ (đường di chuyển) của dời để bắt. Theo ông Tâm, con dời biển có thân mềm, chất dinh dưỡng cao, là thức ăn yêu thích của hầu hết các loại hải sản. Người dân địa phương gọi đây là con dời biển, nhưng chúng không gây độc và ngứa như tên gọi của nó. Từ lâu chúng đã là mồi câu số một của ngư dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, để thu nhiều chiến lợi phẩm từ biển.

z5060460095168_f4a603846f08b8d30eff5bfb3d085f10.jpg
Ngư dân và nghề câu trên vùng biển Tuy Phong.

Ông Tâm cho biết, trước đây loài vật này rất nhiều, nhưng mấy năm gần đây, do thị trường tiêu thụ mạnh, người ta mua về để làm thức ăn cho tôm giống nên bà con đua nhau đi đào. Ở vùng ven biển Nam miền Trung, còn có nhiều lao động đi đào dời từ tỉnh này tới tỉnh khác để sử dụng hoặc bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập. Riêng toàn xã Chí Công hiện có trên 100 thuyền, thúng làm nghề câu. Với những ngư dân địa phương, mỗi chuyến đi câu trong ngày hoặc đêm, họ thường chuẩn bị khoảng nửa ký dời biển, đủ câu rồi ngày sau mới đào tiếp, chứ ít dự trữ, bởi loại này chỉ để được vài ba ngày. Với những ngày nước lên không đào được dời biển, ngư dân lại mua sò giá để dành làm mồi…

Trước thực tế tài nguyên biển đang ngày càng cạn kiệt, ngoài các loại hải sản thì ngay như con dời biển cũng đang trở nên ít hơn từng ngày, do độ “săn” dày đặc của con người. Riêng với những ngư dân vùng ven biển Chí Công nói riêng và nhiều xã ven biển trong tỉnh nói chung, dù vất vả, khó khăn đến đâu, nhưng vì mưu sinh, lo cơm áo, gạo tiền, họ vẫn gắn cả đời mình với nghề biển, kể cả công việc vất vả như “săn” dời…

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Về nghe biển hát
 BTO- Là chương trình nghệ thuật do Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh (Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) tổ chức vào 2 đêm (1 – 2/5/2021) tại khu vực Hàm Tiến, TP. Phan Thiết. Ông Nguyễn Tú Long – Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Về nghe biển hát”, sẽ được tổ chức tại bãi biển Hàm Tiến (TP. Phan Thiết), khu vực tiếp giáp giữa Allezboo Beach Resort & Spa và Cà Ty – Mũi Né Resort. Đây sẽ là chương trình hứa hẹn mang lại nhiều cảm xúc cho người dân và du khách trong dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 – 19/4/2021) và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021).
Nổi bật
Không để xảy ra tình trạng công trình, dự án phải chờ mặt bằng
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là yếu tố quan trọng để kích cầu trong sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Săn”… dời biển!