Trên bãi cát ven biển có không ít phụ nữ, nón lá hay nón vải trên đầu, đứng đón những chiếc thuyền thúng lác đác cập bờ. Đó là những người vợ đợi chồng về sau một đêm đi biển.
Làng chài lúc sáng sớm. |
Từ 5 giờ rưỡi đến 6 giờ sáng trở đi, những chiếc thuyền thúng bắt đầu về. Vào gần bờ, người đàn ông trên thuyền thôi chèo, nhảy xuống nước và đẩy thuyền cập vào bãi cát. Rồi anh nhanh chóng bê những gì đánh được sau một đêm lên bờ, đổ ra trên tấm bạt trải trên bãi cát. Đó là con sò, ốc, cá còn tươi tắn, còn cựa quậy… và rồi chúng được người vợ dùng tay mang bỏ vào những sọt nhựa công nghiệp đỏ, vàng, xanh thường thấy, chờ người đến mua. Nhưng những sọt nhựa chỉ có thể đựng hải sản chứ không chứa được nước. Tôi đã thấy một ngư dân không dùng những sọt nhựa đó, anh tự chế ra một loại vật đựng đặc biệt bằng những chiếc can nhựa 20 lít. Chiếc can được khoét, cắt bỏ một bên hông, đặt nằm ngửa trên bong thuyền, vừa để đựng sò, ốc vừa đựng nước biển để giữ chúng tươi sống. Khi những chiếc can nhựa đó được chuyển lên bờ, người đàn bà lựa ốc, sò, ghẹ cho vào những chiếc thau nhựa, nhôm. Nhìn chiếc thau nhôm đựng đầy những con ốc lớn cỡ bằng nắm tay em bé, tôi hỏi:
“Ốc này là ốc gì vậy chị?”
“Ốc tỏi đó chú. Làm cái gì ăn cũng ngon. Ốc này khách Sài Gòn ưa ăn lắm, luộc ăn hay nướng, ướp mỡ hành”.
“Bao nhiêu một ký chị?”
“60.000 đồng/kg chừng 6, 7 con. Lên trên chợ giá 70.000 đồng/kg nhưng họ cân thiếu”.
Khi tặng vật của biển được đưa lên bờ, bên những người phụ nữ của làng chài, những người mua đi bán lại còn có những bà thu mua hải sản. Tiếng lựa chọn, tiếng trả giá sản phẩm râm ran. Loại ốc tỏi tôi vừa hỏi giá 60.000 đồng/kg, một người mua trả giá 40.000 đồng, rồi lên 50.000 đồng/kg. Giá nhích dần lên cho tới khi bên bán, bên mua thỏa thuận mức giá hợp lý. Và dĩ nhiên khi nó lên chợ thì giá sẽ cao hơn. Tôi dừng chân xem mấy người phụ nữ đang cân ốc hương. Những con ốc hương nhỏ hơn ngón chân cái được cho lên bàn cân. Một ký được 30 con ốc.
Bây giờ trên bãi cát mỗi lúc một đông người. Đã có ước chừng vài trăm người mua, bán, vận chuyển hải sản. Những chiếc xe gắn máy thồ hải sản lên cho các vựa đã đầy hàng, vụt chạy. Trong mấy láng trại cất tạm bợ và trên bãi cát, nhiều người dân đang gỡ lưới thu xếp gọn gàng thành từng đống.
Nhiều người khách nước ngoài đi xuống bãi cát. Họ mang theo máy ảnh, máy quay phim ghi lại những hình ảnh sinh hoạt sống động của làng chài buổi sáng sớm.
Tôi làm quen với đôi vợ chồng người nước ngoài tầm 40 tuổi. Họ cư trú ở Mui Ne beach resort. Ngày mai họ rời Phan Thiết để về TP. Hồ Chí Minh. Hỏi thăm thêm, được biết người chồng tên Christian và chị vợ tên Collect. Chị là người Việt Nam, nhưng định cư ở Austria (Áo) đã trên 30 năm, nên không nói được tiếng Việt. Chị cầm trên tay một mớ vỏ sò đẹp nhặt được trên bãi. Chị nói “Vỏ sò đẹp quá!”. Tôi cười. Cuộc giao lưu ngắn với họ làm tôi cảm thấy vui.
Tầm 9 giờ sáng trở đi, những cuộc mua bán hải sản trên bãi đã xong, người thưa dần. Đến 10 giờ, bãi cát làng chài lại vắng vẻ chỉ còn vài người ngồi nán lại bán ráng số hải sản ít ỏi còn lại cho những khách đi tham quan trễ.
Sinh hoạt làng chài Mũi Né như vậy đấy. Bạn phải đến làng chài từ 6 giờ sáng, thì mới thấy làng rộn ràng và mới thấy vui.
Hoàng Cẩm