Dù vậy, hiện phía Trung Quốc vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19 nghiêm ngặt nên hiệu suất thông quan rất thấp, trung bình mỗi ngày chỉ giải phóng khoảng 70 - 90 xe xuất khẩu hàng hóa. Thế nhưng cùng thời điểm, số lượng phương tiện chở hàng hóa trong nước lên khu vực này để chờ xuất lại có xu hướng tăng. Ước trung bình có từ 160 - 180 xe/ngày, trong đó mặt hàng hoa quả tươi chiếm khoảng 70% mà chủ yếu là thanh long, mít, xoài, dưa hấu… dẫn đến hiện nay còn tồn cả ngàn phương tiện tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma.
Với lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tăng thêm vào thời điểm sau tết, nhiều khả năng mặt hàng nông sản, hoa quả tươi sẽ bị ùn ứ tại các bến bãi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Do vậy, Sở Công Thương Bình Thuận vừa đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã (HTX) và hiệp hội ngành nghề trong tỉnh khẩn trương thông báo tình hình đến doanh nghiệp, HTX là thành viên có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới phía Bắc được biết. Qua đó có kế hoạch đưa hàng lên phía cửa khẩu hợp lý cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid - 19 theo quy định để hạn chế tối đa tình trạng phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu ùn ứ, ách tắc…
Đối với doanh nghiệp, HTX cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình và yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đồng thời xem xét lựa chọn các phương thức vận tải khác (như qua cảng biển, đường sắt) nhằm giảm tải cho cửa khẩu đường bộ. Bên cạnh đó chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ chủ
hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch. Chủ động thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid - 19 trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hóa, đảm bảo không có vi rút Covid - 19.
Thêm nữa là chủ động theo dõi, cập nhật thường xuyên về tình hình tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, năng lực bến bãi, tiến độ thông quan, cách thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và đánh giá khả năng xuất khẩu để xây dựng phương án sản xuất, xuất khẩu hợp lý. Mặt khác cũng cần quan tâm, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác lẫn đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Thời gian tới, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối để kết nối, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm thanh long cho doanh nghiệp, HTX và nông dân. Thường xuyên theo dõi, trao đổi với sở đồng chức năng các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm nắm bắt tình hình, phối hợp đơn vị liên quan thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo đến doanh nghiệp, HTX về hoạt động xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc…