Khơi thông “dòng chảy” đầu tư…
Xem nội dung 63 vướng mắc mà Sở Kế hoạch và Đầu tư đã gỡ cho các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay cho thấy để có thể đầu tư dự án và đưa dự án đi vào hoạt động đúng pháp luật là không đơn giản, vì có liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Hơn nữa, chính sự đa dạng của các dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau đó cũng khiến doanh nghiệp lúng túng. Ví dụ quy trình giải quyết hồ sơ gồm hồ sơ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cũng có nhiều thắc mắc liên quan mà không ít doanh nghiệp cần phải giải đáp. Hay như thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, thủ tục ký hợp đồng thuê đất, công tác phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu, thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư… cũng là vấn đề chủ đầu tư 1 dự án cụ thể cần hiểu rõ để thực hiện.
Bên cạnh đó, sở cũng chủ động mời các chủ đầu tư để rà soát tiến độ triển khai dự án theo luật định và có quyết định kết thúc nội dung giải quyết chuyển sang nội dung xem xét phương án xử lý dự án. Qua đó, đã xử phạt 21 tổ chức với số tiền 1,785 tỷ đồng, thu hồi 9 dự án chậm triển khai vi phạm pháp luật về đầu tư.
Với việc sát cánh cùng doanh nghiệp, gỡ vướng mắc và củng cố trật tự trong lĩnh vực đầu tư, lâu nay Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn làm như khơi thông dòng chảy đầu tư vào tỉnh. Tùy từng năm mà cho kết quả khác nhau, thể hiện rõ qua những con số trong 4 nội dung: Cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, khởi công xây dựng và số dự án đi vào hoạt động nhiều hay ít. Như 9 tháng năm nay các con số trong 4 nội dung đều tăng hơn cùng thời điểm năm ngoái.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, trong 9 tháng có 30 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 33.618,6 tỷ đồng, tăng 60 lần so với cùng kỳ năm 2022 (33.618,6 tỷ đồng/553,6 tỷ đồng), nâng tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực là 1.628 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.767.775 tỷ đồng. Trong khi đó có 29 dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn điều chỉnh tăng là 6.175,3 tỷ đồng; 12 dự án triển khai xây dựng và 10 dự án đi vào hoạt động.
Sự tiếp nối cho hiệu quả hơn
Cũng trong 9 tháng qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị nội dung, tài liệu cho lãnh đạo tỉnh gặp gỡ đối thoại với 14 doanh nghiệp có dự án đang gặp vướng mắc. Đây là hoạt động thường kỳ của lãnh đạo tỉnh trong 3-4 năm qua để nắm biết vấn đề và chỉ đạo các sở ngành có liên quan phối hợp giải quyết cụ thể từng vụ việc nên đã mang lại kết quả trong thu hút và triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Sang năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-UBND ngày 03/7/2023 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Tổ công tác 1279). Tổ công tác 1279 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ phó và Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương làm thành viên. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Tổ công tác 1279.
Căn cứ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 2860/UBND-KT ngày 03/8/2023 về việc tiếp tục tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận biết, phối hợp.
Cụ thể, nhằm có cơ sở cho tổng hợp, phân loại các kiến nghị của các nhà đầu tư để báo cáo Tổ công tác 1279 xem xét giải quyết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3326/UBND-KT ngày 04/10/2022 và duy trì chế độ báo cáo định kỳ cho Sở Nội vụ theo dõi. Song song đó, chủ động tiếp nhận, phân loại những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án đầu tư tại tỉnh Bình Thuận nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (hằng quý, hằng năm) về tình hình thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 72 Luật Đầu tư và các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị (nếu có); gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư giám sát, đánh giá đầu tư theo Điều 70 Luật Đầu tư.
Sự vận hành của tổ 1279 được xem như sự tiếp nối ở tầm quyết liệt hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Bình Thuận, nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Những nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ công tác 1279:
- Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do các sở, ban, ngành, địa phương đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.
- Thực hiện rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có phương án xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.
- Rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
- Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng,… của các dự án trong trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết.