Theo dõi trên

Sổ tay: “Con nhà người ta…”

07/11/2022, 05:45

“Nhìn con nhà A mà học tập, nó lại vừa được giải trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đấy”. “Xem đây này, thằng bé T, mới 4 tuổi đã nói tiếng Anh như vậy, còn con ngày nào cũng phải để mẹ nói rát cả cổ”. Vì sao, tại sao... Cứ vài ngày, tôi lại nghe những câu hỏi tương tự mà người mẹ hàng xóm đặt ra cho hai đứa con đang học cấp 3 và cấp 1 của mình.

Khó khăn lắm, một sinh linh bé nhỏ mới có thể cất tiếng khóc chào đời, đó đã là điều tuyệt vời đầu tiên mà tạo hóa ban tặng. Con cái sinh ra, là sự kết tinh tình yêu của cả cha và mẹ, là ước mơ, là niềm hy vọng của tất cả mọi người. Con cái là động lực to lớn nhất của bậc làm cha mẹ. Cha mẹ có thể dành hết những điều tuyệt vời nhất trên đời cho con, mang đến cho con không chỉ là cuộc sống đầy đủ, ấm no mà còn cả tình thương yêu bao la, vô bờ bến. Bởi thế tâm lý mong “con nhà mình” phấn đấu bằng “con nhà người ta” cũng chỉ vì muốn con mình tốt lên từng ngày.

Nhưng, mỗi đứa trẻ không là bản sao của ai cả ngay từ khi sinh ra. Cứ nhìn từ trong gia đình, cùng một cha, một mẹ vậy mà anh em mỗi đứa một tính, người nhanh nhẹn, sáng láng, người chậm chạp, ù lỳ. Bởi tạo hóa vốn không công bằng, ngay bản thân cha mẹ cũng có giống người ta đâu mà cứ mang con mình ra so bì.

Lại nhớ ngày xưa chúng ta cũng từng bị mắng, bị so sánh với con nhà hàng xóm hoặc bạn trong lớp. Cũng cảm giác khó chịu, ấm ức ấy khi bị so sánh, tệ hơn là căm thù đứa trẻ đang được đưa ra làm hình mẫu cho ta. Vậy tại sao khi đã là cha mẹ, ta lại đi vào lối mòn, khuôn mẫu của sự giáo dục ấy.

Liên tiếp thời gian gần đây nhiều trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập từ cha mẹ khiến nhiều người không phải xót xa. Trẻ bị trầm cảm hay gặp các vấn đề về tâm lý thậm chí chọn tự tử như một cách để giải thoát khi bị áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chính bản thân các em.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Đặc biệt, các bệnh viện cũng ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên. Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Và mỗi gia đình đều có cách dạy trẻ không giống các gia đình khác. Trong cách dạy trẻ, có thể điều này hiệu quả với đứa trẻ này ở gia đình này, song nó lại không có hiệu quả với đứa trẻ ở gia đình khác.

Nhà sư Thích Minh Niệm, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Hiểu về trái tim” (2011) cũng từng nói: “Tình thương không có bóng dáng của sự tự ái hay sĩ diện, mà chỉ có sự chân thật và dịu dàng. Hãy để con cái cảm nhận tình thương yêu chân thật của cha mẹ qua cảm xúc đến từ trái tim và qua sự nỗ lực sửa mình không ngừng của cha mẹ. Để từ đó, chúng tin rằng tình thương yêu cao đẹp hay rất ít điều kiện là thứ có thật trên đời – chúng đã từng được đón nhận và khao khát trao truyền cho thế hệ mai sau”.

 

THỤC ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Con cái chúng ta giỏi thật !”
BTO - Đi dự lễ bế giảng năm học về, thằng bé nhà tôi cứ lẩm bẩm: “nhục quá, nhục quá”. Tôi hỏi: “Có chuyện gì vậy, bạn nào bắt nạt con à?”. Nó trả lời: “Dạ không bố. Con đạt học sinh giỏi mà, giấy khen nè”. “Thế sao lại kêu nhục?”. “Dạ lớp con có 42 bạn mà 41 bạn đạt học sinh giỏi, chỉ có 1 bạn là học sinh trung bình, con cũng giỏi nhưng xếp thứ 37”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sổ tay: “Con nhà người ta…”