Bài thơ viết về tình cảm vợ chồng, hạnh phúc gia đình. Tác giả hóa thân vào vai của người vợ. Và sự tỏ bày tâm trạng của người vợ ở đây rất cụ thể, thiết thực, lại không thiếu những ý tưởng mới mẻ, gần gũi với tâm trạng của biết bao người vợ lo vun đắp cho tổ ấm gia đình.
2. Bài thơ gồm 6 khổ, 24 dòng. Mỗi khổ thơ là những cặp câu thơ tương quan đối lập, tương phản về nội dung. Đó là những tâm tình của người vợ. Một bên là những điều chị mong chồng đừng làm. Một bên là những niềm mong ước giản dị của chị.
Người vợ ấy cần sự chung thủy trong tình yêu, tình cảm vợ chồng. Chị chỉ mong tình yêu ấy trước sau như một. Người phụ nữ ấy cần sự chân thành. Chị không đặt nặng hình thức: “Anh đừng gượng gạo tặng hoa…”, “Đừng làm ngày lễ em vui”, “Anh đừng quà cáp làm chi”.
Hạnh phúc gia đình, với chị, là sự chung tay của cả chồng và vợ để xây dựng mái ấm gia đình, để gia đình luôn có nhiều niềm vui, tiếng cười, có những điều giản dị bình thường: “Ngần ấy năm em chỉ mong/ Căn nhà nhỏ mãi lồng trong tiếng cười!”, “Yêu thì anh nhớ đừng quên/ Vén, vun, giữ lửa cho bền cuộc đi”, “Hãy nhân lên những bình thường đi anh”. Người vợ ấy mong chồng mình mãi như ngày họ mới quen nhau, khi anh ngỏ cùng chị những lời yêu thương buổi ban đầu. Chị mong anh không để tình nghĩa lạt phai, không để úa tàn hạnh phúc: “Cứ “anh” nguyên vẹn như khi ngỏ lời”.
Thực tế cuộc sống để cho những người phụ nữ, những người vợ thấy bao cảnh ngộ khác nhau ở những gia đình. Những điều tốt đẹp của ngày đầu khi họ mới quen nhau, yêu nhau, đã thay đổi theo thời gian. Chị luôn mong anh: “Đừng theo năm tháng phai phôi/ Nghĩa tình dần bạc như vôi… em buồn!”, “Đừng một ngày gắng long lanh/ Rồi bao ngày lại… lạnh tanh nồng nàn”.
Thi phẩm “Cứ anh nguyên vẹn như khi ngỏ lời” của tác giả Vu Trầm góp thêm một tiếng nói, cũng là một tiếng lòng của những người phụ nữ, những người vợ: Sự quan tâm của những người đàn ông, những người chồng đối với vợ của mình bằng những cách mà người ta quen làm những dịp lễ phụ nữ như tặng hoa, tặng quà, làm vui lòng người vợ trong những ngày lễ ấy là cần. Song, quan trọng hơn, làm sao những sự trân trọng ấy là những tình cảm thật sự từ đáy lòng của anh, của người chồng đối với người vợ quý yêu của mình ở tất cả các ngày trong năm, và còn là mãi mãi.
3. Tác giả bài thơ cũng đã có chủ ý khi sử dụng thể thơ lục bát để tạo dáng hình cho thi phẩm. Thơ lục bát với những quy định chặt chẽ về số chữ ở mỗi dòng, về vần, về thanh điệu… trong mỗi dòng thơ. Tác giả sử dụng thể thơ ấy khi sáng tác, phải chăng, cũng để góp phần thể hiện những tình cảm của vợ chồng trong mái ấm gia đình, gắn bó mật thiết với nhau, với mỗi người một vai trò, một nhiệm vụ.
12 lần từ “đừng” được nhắc đến, cũng là những lần người vợ mong chồng đừng để những gì chỉ là hình thức bên ngoài bộc lộ nơi anh. Và cũng với chừng ấy lần, là những mong ước để vun đắp cho những tình cảm chân thật nhất, lâu bền nhất mãi trong mái ấm yêu thương của anh chị. Ý thơ trong sáng, được diễn đạt dưới lớp ngôn từ giản dị, lại không kém sự mượt mà.
Đọc bài thơ, độc giả dễ cảm nhận tâm tình của người phụ nữ, người vợ mộc mạc, chân chất, thấm đẫm tình yêu thương chồng con, luôn mong đắp bồi cho mái ấm thân thương của mình. Với “Cứ anh nguyên vẹn như khi ngỏ lời”, tác giả, nhà thơ Vu Trầm thêm một lần nữa gởi đến bạn đọc một bài thơ về gia đình với chiều sâu trong nghĩ suy và thật giàu cảm xúc.
Cứ anh nguyên vẹn
như khi ngỏ lời
Anh đừng gượng gạo tặng hoa
Nếu được… thì hãy ở nhà cùng em
Điện thoại đừng… chế độ im
Mỗi bữa cơm tối con thèm có cha!
Anh đừng mơ chốn xa hoa
Đừng say bè bạn, la cà đám đông
Ngần ấy năm em chỉ mong
Căn nhà nhỏ mãi lồng trong tiếng cười!
Đừng làm ngày lễ em vui
Rồi bao ngày lại… ngậm ngùi mỗi em
Yêu thì anh nhớ đừng quên
Vén, vun, giữ lửa cho bền cuộc đi.
Anh đừng quà cáp làm chi
Cứ “anh” nguyên vẹn như khi ngỏ lời
Đừng theo năm tháng phai phôi
Nghĩa tình dần bạc như vôi… em buồn!
Anh đừng chia nhỏ yêu thương
Hãy nhân lên những bình thường đi anh
Đừng một ngày gắng long lanh
Rồi bao ngày lại… lạnh tanh nồng nàn.
Anh đừng gieo những lo toan
Cây hạnh phúc lỡ úa tàn… tội nhau
Đừng ngừng thương nhé… em đau
Cứ “anh” nguyên vẹn thuở đầu quen em.
Vu Trầm