Theo dõi trên

Sông Mường với người dân Phan Thiết

28/02/2019, 10:27

BT- Không biết bao mùa mưa nắng đã trôi qua, bao đời người đã đi về trên bờ sông hút gió này mà câu ca dao xưa cứ vọng đến bây giờ:

Anh về Phan Thiết đưa đò

Trước đưa quan khách sau dò ý em

Tiếng sóng vỗ, tiếng gió vi vu, tiếng mái chèo khua nhẹ, tiếng máy ghe ồn ã, tiếng người cười nói… Dòng sông cứ êm ả trôi trong tâm hồn người dân Phan Thiết, thật thân quen, gần gũi.

Không hùng vĩ như sông Đà, trù phú như sông Hồng, sông Cửu Long, thơ mộng như sông Hương... thế nhưng dòng sông Mường Mán hay như tên gọi thân thiết là Cà Ty ăm ắp phù sa tinh thần cho mọi người dân đã và đang sống nơi miền đất ven biển này. Dòng sông đã đi vào những trang văn, vào nhạc, vào thơ, vào những bức tranh, tấm ảnh… dẫu không vang xa như những câu thơ, khúc hát về những dòng sông khác nhưng vẫn dâng đầy trong tâm khảm của mọi người.

Mỗi buổi tối ngồi trong quán cà phê, bên ngôi nhà cổ của một người nhạc sĩ đã quá cố, nằm bên dòng sông quanh năm lộng gió này, trong tôi lại vẳng lên những câu hát mà ông đã viết với bao yêu thương về vùng đất, dòng sông mà ông đã trọn đời gắn bó: “Dòng sông Mường Mán êm nước trôi tiếng hò ngọt ngào, đây lầu nước bóng nghiêng lặng nhìn chim én gọi đàn…”. Hình ảnh dòng sông, tháp nước luôn chảy tràn trong tâm thức mỗi người dân Phan Thiết, để họ dẫu đang ở đây hay đã ruổi rong, phiêu bạt trên lộ trình cuộc đời vẫn luôn nhớ nhung, thương mến.

Một nhạc sĩ khác của vùng đất này đã cất lên những tiếng ca thiết tha: “Dù xa xôi trùng khơi, tôi vẫn nhớ về Phan Thiết, dòng Cà Ty trôi giữa phố đông, là dòng sông giữ mãi tuổi thơ và tháp nước vẫn in hình trong tôi…”. Những lời ca ấy đã nói lên bao điều về sự gắn bó của mỗi con người đối với vùng đất quê hương yêu dấu của mình. Thân thiết lắm những buổi đi học, đi làm về, chạy xe dọc bờ sông hóng gió, ngồi trên ghế đá ngắm dòng nước lững lờ soi bóng mây bay. Mỗi mùa lại có vẻ đẹp riêng, vì thế với những người con xa quê, bất cứ khoảng thời gian nào trong tâm thức cũng luôn nhớ về là vậy.

Mỗi khi xuân về, tết đến, người Phan Thiết lại ùa về hai bên bờ sông để khỏa mình trong cái không gian của chợ tết với trăm hoa khoe sắc, với bánh trái, người bán mua đông vui, tấp nập. Và những chiều mồng hai tết, mọi người lại cùng nhau đứng chật cả hai bờ để xem những con thuyền và những chàng trai biển thi thố tài năng. Bao nhiêu năm qua vẫn thế, nhưng gương mặt ai cũng hồ hởi, gặp nhau tay bắt mặt mừng hỏi thăm trong làn gió mùa xuân mới ràn rạt mặt sông.

Tôi có những người bạn ở xa khi đến thăm chơi ở Phan Thiết thường kêu đưa đến bờ kè để hóng gió và thưởng thức hải sản, lai rai chuyện trò. Tất nhiên là họ khen nơi đây rất thoáng, ngồi uống bia thì tuyệt. Tôi bảo với họ: Vâng, giờ đây thì quả đúng như thế, chứ còn khoảng 20 năm trước thì lại rất khác. Cứ tưởng tượng trước mặt chúng ta lô nhô những mái nhà chồ hai bên sông, với bao nhiêu hệ lụy từ việc sinh hoạt của cư dân xóm chồ, thử hỏi mọi người có thể nâng ly cạn trăm phần trăm được không? Phải mất biết bao công sức, tiền của mới có được khúc sông rộng, san sát tàu thuyền như thế, để mà mỗi khi ai đó chuẩn bị có chuyến hành trình về Phan Thiết chỉ cần lên mạng search một cái là có thể thấy được khu bờ kè thoáng đãng, tạo nên chất men xúc tác để thôi thúc họ lên đường.

Và đôi khi không cần những du khách ở xa mà ngay cả các chú, các anh trước kia là những chủ nhân của cư dân xóm chồ, sau mỗi chuyến biển chưa vội về nhà mà lên bờ “làm vài ve”, sung sướng đón nhận những ngọn gió mát lành từ mặt sông thổi lên, lắng nghe tiếng máy ghe giòn giã vào ra cửa biển Cồn Chà, và cả những giọng Nam, Bắc hay ngoại quốc “hội nhập” nơi bờ sông cửa biển này.

Hơn ai hết, những người dân Phan Thiết hiểu rõ hơn sự đổi thay của dòng sông quê hương. Cứ lặng thầm, thong thả như dòng nước vơi đầy, với bao rộn ràng của đủ những âm điệu, sắc màu đã tạo nên nét riêng mà dù thời gian qua đi vẫn không thể nào phai mờ những hình ảnh thân thương ấy. Viết đến đây, tôi lại như thấy vẳng đưa câu thơ về dòng sông yêu dấu này: Bao chuyến đò đi ngược về xuôi/Có sóng nào êm như sóng sông Mường/ Có ngọn gió nào thổi cái mặn mà Phan Thiết/Mà lòng người ấm như mùa xuân/ Mà bàn tay em, như ngày xưa - thật gần/Tiếng gió đưa văng vẳng: Anh về Phan Thiết đưa đò/Trước đưa quan khách sau dò ý em…

THIÊN THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Mường với người dân Phan Thiết