Theo dõi trên

Sống trên mặt sông

17/05/2023, 05:39

Cơn mưa từ sáng sớm, đã khiến đôi vợ chồng ngư phủ lui xuồng núp lại dưới chân cầu Dục Thanh, sau mẻ lưới cuối cùng, chưa kịp ra chợ. Mấy mươi năm qua, dòng Cà Ty chứng kiến đôi vợ chồng ngư phủ, buồn vui, no ấm và thiếu hụt. Bác Ba – người ngư phủ thăng trầm trên dòng Cà Ty...

unnamed-2.jpg
Buổi sáng lao động trên sông

Tuổi chài lưới

“Sáng nay mưa quá, được mớ cá mà chưa bán được con”- bác Ba gái nói vọng lên từ dưới gầm cầu Dục Thanh sau cơn mưa dai dẳng của buổi sáng. Một buổi sáng như bao buổi sáng của đôi vợ chồng ngư phủ hom hem, hiền hậu. Chiếc áo mưa mỏng tanh, sờn cũ như khắc họa lại vết dấu lênh đênh của đời người.

unnamed.jpg
Bác Ba trong căn phòng nhỏ của mình 

Cái xuồng nhỏ, chắt chiu của vợ chồng bác Ba đã cũ, nhiều lúc nước sông theo những vết nứt, cứ rưng rức len vào. Đôi lần, giặm vá nhưng thời gian đã tạo thêm những loang lổ ngày càng nhiều hơn. Sao chú không kiếm cái động cơ gắn vào cho đỡ cực? “Thôi, gắn máy thì cũng bộn tiền, mà làm xong xuồng một nơi, mình ở một nơi, sợ lắm. Giờ làm bữa có bữa không mà, máy móc chi đâu!”- ông nói. Ông tên thật là Nguyễn Văn Ba, trước là thành viên HTX nghề cá Phú Trinh từ năm 1977 - 1991 giải thể. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Mười, hồi con gái hay đi mua cá của người cô ruột trên chiếc xuồng. Khi người cô mất để lại cho bà chiếc xuồng nhỏ. Ai dè kỷ vật ấy, theo vợ chồng ông suốt mấy mươi năm. “Hồi đó làm được lắm, đi từ 5 giờ sáng đến 10 giờ sáng lúc nào cũng có cá, bác gái sẽ mang ra chợ bán. Ngày kiếm được vài trăm đồng. Nhưng vài trăm hồi đó sống được, chứ giờ cũng kiếm được vài trăm mà khốn khó lắm!”- bác Ba bộc bạch. Hồi ấy cái xuồng nhỏ của vợ chồng bác Ba cũng quanh quẩn trên khúc sông Cà Ty, chỉ quanh quẩn trong các đoạn từ chân cầu Trần Hưng Đạo đến cầu Dục Thanh, mà cứ đủng đỉnh sống qua ngày. Thoát cái mấy mươi năm, cả một đời người.

unnamed-4.jpg

Bác Ba nay đã 76 tuổi, chẳng còn nhanh nhạy như tuổi trẻ, nhưng với ông khúc sông này đã nuôi dưỡng vợ chồng ông, giúp ông bà đến với nhau nuôi các con ăn học, dựng vợ gả chồng, từ những con nước của thủy triều. Hơn thế, còn dắt díu ông đi qua khốn khó, thậm chí những tai ương. Cưới nhau vào năm 1977, lúc còn ở Phú Trinh. Sau này vì gia cảnh phải khốn khó bán nhà lên trên Văn Thánh 3, căn nhà mua lại phần sau của người ta, vài mét vuông rồi dựng lên cái gác lửng. Hai vợ chồng bác Ba và thêm nhiều thành viên khác sinh sống trong cảnh chật chội và thiếu thốn.

unnamed-4.jpg

Ông đến với nghề thả lưới rê cơ duyên từ thời đi lao động công ích, rồi gắn bó đến giờ đã hơn mấy mươi năm rồi, từ khi mới 16 - 17 tuổi. Ông Ba nói: "Giờ chẳng còn ai làm nghề này, chỉ có tui với ông bạn già, nhưng vợ chồng tui đi nhiều hơn vì muốn phụ thêm bữa ăn cho con cái. Đứa nào cũng khó, làm công nhân lương bao nhiêu đâu, rồi con cái tụi nhỏ ăn học. Bữa nào đau thì thôi, chứ mạnh thì vợ chồng lại đi. Có hôm không có con nào, đi xuống đi về lỗ 20.000 đồng tiền xe ôm". Xong hai vợ chồng cười, trong căn phòng nhỏ thấp thoáng sự hạnh phúc.

unnamed-6.jpg
Nhỏ bé trên trên sông

“Xuồng cũng già theo mình…”

Chuyện trò cứ thế trôi, nhưng tuyệt nhiên chẳng có lời than trách, chỉ có niềm vui theo từng mẻ lưới. Ông cứ nhớ lại những khoảng thời gian sông Cà Ty đầy ắp cá, nhưng giờ thì... “Sông suối mà con người không giữ, riết còn gì nữa đâu. Có thời điểm mấy ghe lớn phá nát hết, cái gì cũng đánh cho bằng hết. Sau này Biên phòng không cho nữa mới thôi. Hồi đó, ngủ đêm tới sáng mất lưới là bình thường, không nói được ai”.

Bác Ba ngồi trên thành ghế, thỏ thẻ: “Giờ bữa nào đau nhức thì ở nhà nhưng nhớ nghề lắm!. Hồi đó tầm tháng 3, tháng 4 cá kếnh (tên gọi khác của cá đối sông vào mùa sinh trưởng) nổi đầy mặt sông béo ngậy, nhìn thích lắm, giờ cũng chẳng có để mà nhìn. Hay như con ghẹ tầm tháng 11, tháng chạp hay theo con nước vào trú ẩn ở sông để sinh trưởng, đến tháng 2, tháng 3 trở ra biển, cũng bị bắt sạch. Nghĩ mà lo, riết rồi cạn dần, chưa kể giờ ô nhiễm môi trường nên cá cũng ít đi”.

unnamed-9.jpg
Là nhân vật của nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật, do tác giả Văn Trung chụp

Có nghề vậy, nhưng ông chẳng dám mong mỏi có được chiếc tàu, chiếc ghe lớn chút để vươn ra biển. Ông nói, thấy tàu ghe giờ nhiều quá cũng ham, nhưng “giờ làm gì nổi nữa, xuồng cũng già theo mình rồi, nhiều chỗ hư mà không có tiền sửa. Đi được bữa nào hay bữa đó, có hôm bả chèo, tui phải múc nước ra…”. Để giặm vá những phần thân mục cũ, cũng mất đến vài triệu đồng, nhưng với vợ chồng bác Ba là cả khoản tiền lớn, nặng lòng lắm. Ước mơ để đó, vì tiền đâu mà sắm sửa!

unnamed-8.jpg
Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Văn Trung

Nhưng có điều ít ai ngờ tới, hình ảnh đôi vợ chồng làm nghề lưới trên khúc sông thân quen của bao người dân Phan Thiết, dù còm cõi, dù nắng mưa trôi dạt, vậy mà lại đầy ắp niềm vui của tuổi già. Dù có khi nay ở gầm cầu này, mai ở gầm cầu khác nhưng lại là nhân vật trong rất nhiều bức ảnh nghệ thuật, là “khách hàng” của nhiều nhiếp ảnh gia. Bác Ba nói: “Mình làm thì cứ làm, rồi có hôm mấy chú kêu quăng lưới cho mấy chú chụp hình. Có chú về họa ra rồi tặng, có chú chụp xong gửi ít tiền nước. Kệ người ta thích cái nghề mình, thì cũng vui chứ mất gì đâu”.

“Giờ chỉ mong kiếm được chút đỉnh sửa lại cái xuồng, kiếm bữa phụ mấy nhỏ. Chứ còn làm được sao trông vào con cái, tụi nó cũng có gia đình, cũng đi làm công nhân thôi, khá giả gì đâu”- bác Ba khắc khoải tâm sự. Rời khỏi căn phòng nhỏ, bác Ba đưa tôi ra tận cửa. Nhưng ánh mắt đó, nụ cười đôn hậu và ước mơ của mấy mươi năm chứng kiến những đổi thay trên dòng Cà Ty của đôi vợ chồng ngư phủ ấy cứ vươn trong lòng tôi, vì ở đó có những thăng trầm họ đã nếm trải và có cả ước mơ nhỏ của tuổi xế chiều.

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xây trường mới đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục
Đức Thuận là xã miền núi, nằm phía tây nam huyện Tánh Linh, có diện tích tự nhiên khá lớn hơn 12.681 ha.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống trên mặt sông