Theo dõi trên

Sự trở lại của “rồng xanh”!

03/02/2023, 05:22

Tin từ Bộ Công Thương, ngay từ những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Cùng với sự thay đổi trong chính sách phòng, chống dịch Covid -19 của Trung Quốc, hứa hẹn tín hiệu lạc quan hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thanh long - “rồng xanh” Bình Thuận nói riêng.

Thị trường sôi động

Theo đó, tại tỉnh Lạng Sơn, bắt đầu từ ngày 28/1, phía Trung Quốc khôi phục hoàn toàn việc thông quan ở 5 cửa khẩu có hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Bao gồm Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, ga quốc tế Đồng Đăng, Cốc Nam. Trước đó, từ ngày 24 - 27/1, gần 3.000 tấn hàng hóa là nông sản, hoa quả như sầu riêng, mít, thanh long, xoài, chuối… đăng ký trước đã được thông quan thuận lợi qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn sang thị trường Trung Quốc.

z4075846646153_8ac93498b3d35c19176d18f5627412f1.jpg
Lựa chọn thanh long xuất khẩu đầu năm 2023 tại vựa ở Hàm Thuận Nam.

Tại Bình Thuận, tiếp nối sự vực dậy của thị trường thanh long dịp cuối năm 2022, những ngày đầu tháng giêng năm Quý Mão 2023, giá thanh long dù có chững lại, nhưng đang giữ ở mức từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, thậm chí hàng loại đẹp có giá bán đến 23.000 đồng/kg. Đối với thanh long đỏ hiện đang có giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Điều này khiến nông dân vô cùng phấn khởi khi trúng lứa thanh long chong điện giá cao. Các vựa thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu cũng rất lạc quan vì những chuyến hàng đầu tiên trong năm mới diễn ra thuận lợi.

Ghi nhận tại một số vựa thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam vào sáng mồng 9 Tết Nguyên đán, không khí làm việc đã khá sôi động. Hàng chục tấn thanh long trắng đang được công nhân sơ chế, chọn lọc cẩn thận, đóng hàng lên container để kịp xuất đi thị trường Trung Quốc dịp đầu năm.

Ông Thái Minh Hòa - chủ vựa thanh long Hòa Diệu (xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam) rất vui mừng khi 3 container thanh long đầu tiên trong năm mới xuất sang Trung Quốc giá cao, trôi chảy nhờ các cửa khẩu phía Bắc đã thông quan. Riêng đối với doanh nghiệp này, từ thời điểm cuối năm Nhâm Dần 2022 đến đầu năm Quý Mão 2023, hàng hóa thanh long xuất khẩu biên mậu rất thuận lợi, được giá nên doanh nghiệp có lời. Trong khi đó, thời điểm này vài năm trước, việc giao thương của doanh nghiệp hầu hết bị thua lỗ do giá cả bấp bênh, cửa khẩu bị ùn ứ.

z4075841887469_fec0552c2b059bb900ab7be51b78fa67.jpg
Nông dân Võ Văn Vinh phấn khởi vì thanh long trúng giá dịp đầu năm.

Nông dân thắng lợi

Khác hẳn với sự đìu hiu những tháng trước đó do giá thanh long thấp, thời gian gần đây, nhờ sự vực dậy của thị trường thanh long, giá bán cao, tương đối ổn định nên nhiều hộ trồng đã mạnh dạn đầu tư chong đèn, thu lợi nhuận cao dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2023.

Đơn cử tại hộ ông Võ Văn Vinh (thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam) hiện có khoảng 1.700 trụ thanh long. Sau nhiều lần thất bại vì đầu tư chong đèn đại trà dẫn đến thua lỗ, gia đình ông theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương, đã đầu tư rải vụ. Nhờ chia đợt đầu tư chong đèn (mỗi đợt khoảng 450 trụ) nên đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí đầu vào, thanh long chín với sản lượng cao, trái ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp nên rất dễ bán. Theo đó, ngay trong ngày 10 tháng giêng năm Quý Mão, thương lái đã đến mua tận vườn với giá 18.500 đồng/kg, với sản lượng khoảng 5 tấn. Có “lộc” ngay từ đầu năm, nên nông dân này rất phấn khởi và kỳ vọng hơn 10 tấn hàng xuất bán gần nửa tháng tới sẽ giữ mức giá này.

Còn theo lời của ông Nguyễn Văn Hậu, một nông dân ở cùng xã Hàm Mỹ: “Gia đình tôi đã bán lứa thanh long chong đèn trên diện tích 430 trụ với giá 23.000 đồng/kg, thu lãi cao nên rất phấn khởi. Ông Hậu chia sẻ kinh nghiệm: Vừa qua do dịch bệnh nên gia đình ít đầu tư chong đèn. Vì vậy, khi mạnh dạn đầu tư vụ nghịch dịp tết, thanh long cho sản lượng, chất lượng rất tốt, nên tôi quyết định sẽ bám trụ lâu dài với loại cây này.

Nhìn lại thực tế vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, kéo theo giá bán thấp, chi phí đầu vào tăng nên không ít bà con trồng thanh long trong tỉnh đã bỏ chăm sóc vườn, hay nhổ trụ để chuyển đổi cây trồng. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối tháng 12/2022, diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh còn gần 27.000 ha, giảm hơn 5.000 ha; sản lượng đạt 600.500 tấn, giảm 80.400 tấn so năm 2021.

Vượt qua thời gian khó khăn ấy, thời điểm này được xem là sự trở lại của trái thanh long- “rồng xanh” Bình Thuận khi thị trường đang khởi sắc, đúng như mong đợi của người trồng và doanh nghiệp. Dù giá cả biến chuyển từng ngày, nông dân vẫn đang “thấp thỏm” khi thanh long chín trong thời gian tới. Nhưng hiện tại, giá thanh long cao, thị trường Trung Quốc và trong nước ổn định được xem là bước khởi đầu, đánh dấu sự trở lại của “rồng xanh”, với mong muốn “đầu xuôi, đuôi lọt” trong năm Quý Mão.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tháo gỡ khó khăn để phát triển thanh long VietGAP
BTO-Đó là một trong những nội dung được tập trung thảo luận tại hội nghị sơ kết chương trình sản xuất và chứng nhận thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, giai đoạn 2020- 2022 tại Bình Thuận, diễn ra ngày 6/1/2023.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự trở lại của “rồng xanh”!