Theo dõi trên

Tà Pứa, mùa sầu riêng thơm nồng

03/06/2022, 05:37

Bây giờ ở Tà Pứa, nhiều nhà vườn đã bắt đầu vào vụ thu hoạch sầu riêng. Một vùng không trung rộng lớn thơm nồng mùi hương của trái chín. Thương lái từ các nơi đổ về thu mua nhộn nhịp.

Niềm vui được mùa

“Tà Pứa đã vào mùa sầu riêng chín. Làm một chuyến lên vùng đất này đi nhỏ!” – tin nhắn của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh đã thôi thúc chúng tôi đến với vùng đất này sau nhiều năm chưa trở lại. Từ trung tâm huyện Đức Linh, vượt qua cung đường đèo cao gần 20km ngoằn ngoèo, chúng tôi cũng đến được với Tà Pứa hay còn gọi thôn 7, xã Mê Pu của huyện Đức Linh. Hôm ấy, Tà Pứa đón chúng tôi bằng một cơn mưa “trắng trời”. “Chắc chào đón khách nên mới mưa như vậy đó. Chứ những ngày vừa qua trời nắng chang chang à” - ông Nguyễn Đức Binh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh nói vui với chúng tôi khi vừa gặp mặt.

sau-rieng-1-.jpg
Ông Quế bên vườn sầu riêng của gia đình.

“Núp” mưa ở một hộ dân ven đường, ông Binh cho chúng tôi biết: Tà Pứa là tên gọi chung cho thôn 5, xã Đức Phú, huyện Tánh Linh và thôn 7, xã Mê Pu, huyện Đức Linh. Cả 2 địa phương này có địa giới giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, khí hậu ôn hòa mát mẻ cộng thêm đất bazan màu mỡ nên người nông dân nơi đây đã phát triển cây sầu riêng nhiều năm qua. Cũng chính vì thế mà sầu riêng Tà Pứa đã có mặt trên thị trường khoảng 20 năm về trước, nhưng chủ yếu là sầu riêng hạt với diện tích và sản lượng không nhiều. Những năm trở lại đây, nông dân ở hai địa phương này, đặc biệt là thôn 7, xã Mê Pu, huyện Đức Linh đã mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng Ri 6, Mongthong và Musaking với diện tích canh tác lên đến 300 ha. Cũng chính sự quyết tâm thay đổi giống sầu riêng mới có chất lượng hơn nên lần trở lại này, chúng tôi quan sát và cảm nhận được Tà Pứa đã đổi thay rất nhiều. Nhà cửa khang trang hơn, đời sống của người dân được nâng cao. Xe cộ qua lại tấp nập và đặc biệt, trong mỗi câu chuyện đều nghe mọi người bàn tán năm nay sầu riêng được mùa.

Cơn mưa vừa dứt, cũng là lúc chúng tôi theo chân ông Phạm Quế (thôn 7, xã Mê Pu) đi thăm vườn sầu riêng hơn 5 ha của gia đình ông. Có lẽ đâu đó có trái chín chưa kịp hái, nên vườn sầu riêng dậy lên mùi hương “đánh thức” cả vị giác và khứu giác. Chỉ tay vào cây sầu riêng đang mang nặng trĩu trái, ông Quế cho biết, vụ sầu riêng năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất ước đạt 25 - 30 tấn/ha, đầu mùa thương lái thu mua ở mức giá khá cao, có thời điểm lên đến gần 100.000 đồng/kg, nhưng hiện tại đã giảm xuống còn 50.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại. Thế nhưng với mức giá như trên, sầu riêng vẫn là loại cây trồng dẫn đầu về giá trị kinh tế, lợi nhuận cho 1 ha dao động từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cá biệt có hộ đạt 1,5 tỷ đồng.

“Tiêu thụ cũng không có vất vả, bởi vào thời điểm thu hoạch thương lái sẽ tìm đến tận vườn thu mua. Họ chọn những trái sầu riêng đã nở gai rồi chặt xuống và cân ký. Nhà vườn chúng tôi chỉ việc tính tiền thôi” - ông Quế chia sẻ thêm. Cũng theo ông Quế, năm nay nhiều hộ dân trồng sầu riêng ở đây thắng lớn, vừa được mùa vừa được giá.

Hướng đến sản xuất sản phẩm sạch và chất lượng

Đến vùng sầu riêng vào vụ mùa thu hoạch, nên chúng tôi cũng may mắn khi được nếm thử những trái sầu riêng chín cây. Ông Quế mang ra 2 loại sầu riêng hạt và hạt lép, vừa chín rụng trong vườn nhà và nói rằng: Các cô, chú dùng thử, chắc chắn mùi vị sẽ khác khi mua ở chợ hoặc các cửa hàng. Quả thật, mùi vị khác hẳn. Loại có hạt cơm mỏng, ngọt thanh, thơm dịu và hơi béo. Loại hạt lép cơm dày, ngọt gắt và thơm nồng.

Vừa thưởng thức những múi sầu riêng thơm ngon, chúng tôi được ông Quế chia sẻ, trồng sầu riêng đúng quy trình, thì từ 3 - 4 năm tuổi sẽ cho thu hoạch, từ năm thứ 6 trở đi cây sẽ đạt năng suất ổn định. Nếu nông dân nắm vững và làm chủ kỹ thuật canh tác, thì bình quân mỗi ha sẽ mang về khoảng 30 tấn trái.

Giọng nói có vẻ trầm xuống, ông Quế chia sẻ thêm: Những năm qua, so với các vùng trồng sầu riêng, thì sầu riêng Tà Pứa rất được các thương lái, du khách cũng như người dân ưa chuộng, bởi chất lượng rất ngon. Thế nhưng khi đi vào chiết xuất nguồn gốc thì chưa nghiêm ngặt. Bởi thật ra, nhiều bà con còn đang canh tác theo truyền thống nên nhiều lúc sản lượng không đồng nhất, nhiều vườn dư thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, chính quyền địa phương cần có sự định hướng trong sản xuất để đảm bảo sản phẩm sạch và chất lượng, từ đó giá thành sẽ được nâng cao cho bà con nông dân.

sau-rieng-2-.jpg
Sầu riêng Tà Pứa.

“Tôi mong muốn sầu riêng được trồng phải “vượt ao làng” để “xuất ngoại”. Mà muốn được xuất khẩu thì mình nhất định phải thay đổi thôi. Do đó, tôi đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác để cây sai trái hơn, thịt trái đạt chất lượng hơn. Từng bước đi vào sản xuất hữu cơ sạch, tất cả thuốc bảo vệ thực vật, phải bằng hữu cơ và sạch để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tránh trường hợp sầu riêng trôi nổi không đảm bảo chất lượng trên thị trường hiện nay”, ông Quế bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Đức Binh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh, cây sầu riêng hình thành ở Tà Pứa muộn hơn so với sầu riêng ở Rô Mô của Đa Kai. Tuy nhiên, với vùng đất màu mỡ, bazan, nền đất cổ và sau khi đã trồng cây cao su già cỗi thì nông dân ở đây cũng đã chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng. Và từ những cây ban đầu cho đến nay, thì vùng sầu riêng Tà Pứa hứa hẹn sẽ là một vùng chuyên canh sầu riêng đảm bảo về mặt chất lượng cũng như sản lượng, hướng đến xây dựng hợp tác xã ở khu vực Tà Pứa để lấy tên thương hiệu Tà Pứa cho đúng địa danh. Và đây cũng là một địa điểm có thể hình thành du lịch sinh thái nông nghiệp trong tương lai.

“Hội Nông dân cũng đã hỗ trợ các nguồn vốn để nông dân vay trồng mới. Hiện có khoảng 200 ha sầu riêng từ 1 - 5 tuổi. Đây là tiền đề, để hình thành 1 hợp tác xã sầu riêng với mục tiêu là liên kết các thành viên với nhau để sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ nhằm xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân”, ông Binh nhấn mạnh.

Trời chiều, chúng tôi cùng nhau “hạ sơn”. Trên đường về, nhiều xe chở tập kết sầu riêng qua lại rất nhộn nhịp. Tiếng nói, tiếng cười trong mùa vụ bội thu rộn ràng càng khẳng định: “Tà Pứa, mùa sầu riêng thơm nồng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong suy nghĩ của chúng tôi, với việc hướng đến sản xuất sầu riêng sạch của người dân nơi đây, thì vài năm sau trở lại vùng đất này sẽ còn nhiều thay đổi theo hướng ngày một khá lên.

GHI CHÉP: THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Gắn bảng tuyên truyền an toàn giao thông trong các khu công nghiệp
BTO-Sáng 2/6, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức gắn bảng tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các Khu công nghiệp Hàm Kiệm 2, Phan Thiết 1, Phan Thiết 2.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tà Pứa, mùa sầu riêng thơm nồng