Khổ vì đất đai
Tân Thắng có tổng diện tích tự nhiên 10.987,6 ha, bao gồm đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chưa sử dụng. Dân số có 2.421 hộ/10.754 khẩu trải dài trên 7 thôn, trong đó làm nông chiếm 70%, còn lại làm nghề biển, buôn bán. Với diện tích tự nhiên ấy, vào thập niên trước và sau 1990 khi kinh tế khó khăn, đất đai ở đây hoang hóa nên chuyện tranh chấp rất ít. Nhưng trong thập niên qua, nó lại là vấn đề nóng khi đất đai có giá làm phát sinh những tranh chấp. Một bộ phận người dân lấn chiếm đất công hoặc đất của nhau, với ý muốn nới rộng diện tích đất của mình hoặc mình có nhiều đất hơn để bán làm giàu… “Năm nào cũng cả trăm cuộc hòa giải. Từ đầu năm 2022 đến nay có 135 cuộc, đã hòa giải thành 100 cuộc, còn lại đang tiếp tục giải quyết, năm nay không xong thì chuyển qua năm sau”, ông Nguyễn Văn Bông - một cán bộ tư pháp, người trong tổ hòa giải tranh chấp đất đai chia sẻ.
Tuy vậy, ông cũng cho biết, giải quyết những vụ tranh chấp đất giữa người dân với nhau liên quan bờ ranh, bờ mương chung… thì dễ hơn là nạn lấn chiếm đất của các dự án. Vì đối với những vụ tranh chấp đất giữa người dân, Tổ hòa giải xã chỉ cần nghe 2 bên trình bày những khúc mắc của mình và giải thích cho họ hiểu vấn đề về đất như: Diện tích đất đã thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trên bản đồ địa chính. Cần thiết cán bộ địa chính đo đạc, căng dây cắm cọc xác định lại vị trí diện tích, hộ nào lấn chiếm sẽ lập biên bản vận động giao trả… Nhưng với việc lấn chiếm đất dự án dây dưa rất phức tạp xử lý hôm nay, ngày mai lại tái diễn, trong khi lực lượng cán bộ xã mỏng làm kiêm nhiệm nhiều việc.
Theo xã Tân Thắng, toàn xã có 7 dự án du lịch được UBND tỉnh giao đất từ lâu, nhưng đến nay hầu như các dự án chưa đi vào hoạt động. Việc không hoạt động hoặc các chủ dự án không chủ động giữ đất của mình khiến cho UBND xã “vật lộn” với việc quản lý. Trong khi người dân không phải ai cũng như ai, họ lấn chiếm được thì cứ lấn chiếm bất chấp nhắc nhở, cảnh báo của chính quyền địa phương. “Các dự án bị lấn chiếm nhiều là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bạch Vân của Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư Xây dựng Tâm Trí; khu biệt thự nghỉ dưỡng và resort Đồi Dương của Công ty TNHH du lịch Young Huy”, ông Bông nói thêm.
Kiến nghị sớm triển khai và tăng cường quản lý
Các dự án chậm triển khai một phần do nằm trong quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản cát đen nên chưa thể triển khai xây dựng, chứ cơ bản cả 2 dự án trên đã hoàn thành công tác đền bù giải tỏa. Thời gian qua, UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, UBND xã Tân Thắng đang mong từng ngày các dự án triển khai nhằm một phần nâng bộ mặt của xã và quan trọng là giải quyết nạn lấn chiếm đất. “UBND huyện Hàm Tân cũng như xã Tân Thắng đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc cho xã, nhưng đến nay vẫn chưa. Ngoài hơn 10 hộ có đơn khiếu nại liên quan đến dự án Tâm Trí, thì xã đang hòa giải hộ bà Thông Thị Hoa ở dự án Young Huy. Nếu để tình trạng kéo dài e rằng khổ cho địa phương trong vấn đề quản lý”, ông Thông Văn Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết.
Ngoài ra, Tân Thắng mong các chủ đầu tư dự án sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý. Đồng thời có trách nhiệm quản lý đất của mình bằng cách tác động trên đất cũng như thuê bảo vệ trông coi… chứ không thể phó mặc cho chính quyền địa phương. “UBND xã cũng đã làm việc với doanh nghiệp rất nhiều lần, đề nghị doanh nghiệp phải thực thi việc tăng cường quản lý đất của mình. Lập ranh giới rõ ràng, lập chốt cho bảo vệ trông coi, giữ đất, không nên bỏ hoang, tạo lòng tham của người khác vào lấn chiếm. Lâu nay, các dự án không trông coi giữ đất, cứ thấy dân lấn chiếm là báo chính quyền địa phương, rồi UBND xã lập tổ công tác xử lý, nhưng đâu cũng vào đấy”, ông Bông cho biết. Ông nói thêm, là địa phương có nhiều dự án nằm trên đất, chúng tôi rất vui vì nếu triển khai nó sẽ mang lại những giá trị đích thực trong cuộc sống cho người dân. Nhưng ngược lại gây lãng phí đất và khổ cho địa phương trong việc quản lý.