Nhiều loại ma túy mới tấn công giới trẻ
Một bộ phận không nhỏ người trẻ sử dụng các chất liên quan đến ma túy, ban đầu xuất phát từ những lý do rất đơn giản, như "thấy hay hay, lạ lạ, thử cho biết", "nghe bạn rủ rê", hút thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười... Sử dụng lâu thành quen, rồi muốn tăng liều, dần dần có những người vướng vào ma túy từ lúc nào không hay. Trong khi đó, những chất ma túy mới không ngừng xuất hiện, gây khó khăn cho chính công tác xét nghiệm để xác định đó là ma túy.
Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số tỉnh đã xảy ra hiện tượng ma túy tổng hợp được đóng gói che giấu trong các vỏ bọc rất tinh vi, nguy hiểm, khó nhận biết như gói bột thực phẩm; nước hoa quả pha uống, dạng kẹo... được bán tại hàng quà vặt khu vực gần trường học, khu nhà trọ đe dọa sự an toàn của học sinh, sinh viên, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng và nhà trường trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn.
Hiện nay nước xoài, nước vui, thuốc lá điện tử, bóng cười, shisha… là các dạng ma túy “núp bóng” đang gây nhức nhối. Chúng thường được “ngụy trang” dưới hai dạng: Trộn trong bánh kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm... được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng và ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... Đây là loại ma túy mới xuất hiện lần đầu ở tỉnh Bình Thuận. Nhìn bề ngoài, loại ma túy này không khác gì một gói trà thảo mộc thanh nhiệt. Trong mẫu chất bột màu đỏ cam này chứa khoảng 30 chất tổng hợp khác nhau, trong đó có các chất ma túy Methamphetamine, MDMA, Nimetazepam với hàm lượng methamphetamine rất cao.
Loại ma túy này dễ hòa tan trong nước để uống nên dễ dàng ngụy trang, núp bóng dưới dạng gói trà thảo mộc thanh nhiệt. Đặc biệt với hàm lượng methamphetamine rất cao, người sử dụng các chất này rất dễ lâm vào tình trạng loạn thần, “ngáo đá” và có thể dẫn đến tử vong. Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là thông qua mạng xã hội (zalo, facebook, telegram...) để liên kết, hình thành các nhóm tội phạm ở các địa bàn khác nhau; hình thức giao dịch chủ yếu thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship COD, phần mềm vận chuyển...
Ma túy “ngụy trang” được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, thậm chí trường học, để lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng. Đáng nói, học sinh, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu chủ ý dụ dỗ, lôi kéo sử dụng.
Nâng cao “sức đề kháng” cho học sinh
Trước tệ nạn ma túy trong học đường ngày càng diễn biến phức tạp, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong học sinh, sinh viên có xu hướng gia tăng, mới đây Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội (Ban Chỉ đạo) đã có văn bản triển khai Chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 – 2030.
Trong đó, Ban chỉ đạo yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý và Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp với các đơn vị của ngành Giáo dục cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chương trình phối hợp theo phương châm: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm "nguồn cầu” ma túy, tập trung vào công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, hạn chế tới mức thấp nhất số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy phát sinh mới, nhất là cán bộ, công chức làm việc trong các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên trong các nhà trường.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu lực lượng Công an tăng cường phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi mua bán các loại ma túy, nhất là ma túy "núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy xung quanh các trường học, trên không gian mạng, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nắm thông tin về thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các nhà trường. Chủ động phối hợp với Công an tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Y tế tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê danh sách cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có liên quan đến tệ nạn ma túy để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cai nghiện hoặc tổ chức quản lý theo quy định đối với các trường hợp là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nghiện ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ sử dụng ma túy để tư vấn, giúp đỡ. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của nhà trường. Lồng ghép tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các hoạt động chính khóa, ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Xây dựng tài liệu tuyên truyền và triển khai đến các cơ sở giáo dục bằng hình thức phù hợp.
Bên cạnh hoạt động của ngành chức năng, phụ huynh cũng cần chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình không tham gia tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc... cũng như quan tâm, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn...