Theo dõi trên

Tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09/10/2024, 05:27

Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tỉnh ta nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chương trình, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả.

Tăng tốc giải ngân

Chương trình MTQG 1719 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào các DTTS và miền núi. Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đưa được nhiều dự án thiết thực đến với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bình Thuận là một trong những tỉnh thụ hưởng Chương trình MTQG 1719, xác định đây là nguồn lực quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế và xóa đói giảm nghèo cho người dân. Để thực hiện hiệu quả chương trình, tỉnh đã sớm ban hành các nghị quyết, quyết định theo thẩm quyền của HĐND. UBND tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành, đẩy nhanh việc giao vốn và giải ngân, đồng thời theo sát tiến độ tại các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đến nay, tiến độ thực hiện tại các địa phương trong tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ người dân.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong 3 năm (2022-2024), tổng vốn ngân sách thực hiện Chương trình MTQG 1719 là 427.547 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 370.480 triệu đồng và ngân sách tỉnh đối ứng 57.067 triệu đồng. Đến cuối tháng 8/2024 tỉnh đã giải ngân được 233.589 triệu đồng, đạt 54,6% kế hoạch vốn giao. Trong đó, vốn Trung ương năm 2022 giải ngân 76.274 triệu đồng đạt 86,9%; năm 2023 giải ngân 110.331 triệu đồng đạt 77%; năm 2024 giải ngân 31.081 triệu đồng đạt 22,3%. Một số dự án có kết quả giải ngân khá, như tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 3 về phát triển nông, lâm nghiệp bền vững giải ngân ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ 71,8%, ngân sách địa phương đạt 83%. Dự án 5 về phát triển giáo dục và đào tạo cũng đạt mức giải ngân cao với giải ngân ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ 70,1%...

Trong chuyến kiểm tra, đánh giá Chương trình MTQG 1719 tại Bình Thuận, ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 của Ủy ban Dân tộc, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc giải ngân vốn và thực hiện các dự án: “Bình Thuận là một trong những địa phương thực hiện tốt việc giải ngân vốn để thực hiện các công trình, dự án. Mức giải ngân, tốc độ giải ngân cao so với mặt bằng chung của cả nước, nhiều mục tiêu đều đạt được ở mức độ khá”.

Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc làm việc tại tỉnh.

Tập trung những dự án giải ngân thấp

Theo ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, hiện các dự án có tiến độ giải ngân chậm bao gồm tiểu dự án 2 thuộc dự án 3, tiểu dự án 1 thuộc dự án 4, và tiểu dự án 2 thuộc dự án 10. Đối với tiểu dự án 2 thuộc dự án 3, tổng ngân sách Trung ương giao từ năm 2022-2024 là 13.024,6 triệu đồng (đã điều chỉnh theo Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 13/9/2024), nhưng mới giải ngân được 1.391 triệu đồng, đạt 10,7%. Nguyên nhân là do Nghị quyết về định mức chi ngân sách và cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chỉ mới được HĐND tỉnh ban hành đầu năm 2024. Hiện tại, các huyện đang triển khai hỗ trợ sản xuất cho người dân. Ban Dân tộc đã phê duyệt 2 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp lai, hỗ trợ cho 571 hộ dân với diện tích 560 ha, tổng kinh phí hỗ trợ là 6.425 triệu đồng.

Về tiểu dự án 1 thuộc dự án 4, tổng vốn đã phân bổ từ năm 2022 đến 2024 là 55.077 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 46.651 triệu đồng và ngân sách đối ứng của tỉnh là 8.406 triệu đồng. Riêng Nhà hỏa táng huyện Tuy Phong đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công. Hiện các thủ tục thu hồi đất và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đang được tiến hành. Còn Nhà hỏa táng huyện Bắc Bình cũng đã hoàn thành việc chỉ định thầu cho các đơn vị tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

“... Tập trung rà soát các dự án đã được phân bổ vốn, đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc thúc đẩy tiến độ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS & miền núi được thực hiện đúng đối tượng và đúng địa bàn thụ hưởng. Chú ý phát huy tính tự lực tự cường người dân nâng cao hiệu quả chương trình. Đồng thời, triển khai sơ kết, đánh giá giai đoạn này để có điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn tiếp theo”.

Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận những kết quả tích cực thực hiện Chương trình MTQG 1719 của tỉnh.

Với tiểu dự án 2 thuộc dự án 10, ngân sách Trung ương giao là 2.764 triệu đồng, hiện mới giải ngân được 454 triệu đồng, đạt 14,4%. Nguyên nhân là do quy định mỗi xã chỉ có một điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin, trong khi trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 3 xã và 10 thôn đặc biệt khó khăn. Tỉnh đang thúc đẩy các địa phương thực hiện Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin theo Kế hoạch số 4100/KH-UBND ngày 24/10/2023. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống họp trực tuyến vẫn gặp khó khăn do Ủy ban Dân tộc chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về cấu hình và kết nối với phòng họp trực tuyến tại Trung ương. Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị Trung ương sớm có chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc này.

Nguồn vốn từ chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho đời sống xã hội. Đời sống và thu nhập của đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể, giáo dục, y tế và văn hóa - xã hội đều có những bước tiến. Các hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội truyền thống tiếp tục được duy trì, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng cơ bản được giữ vững. Đồng bào yên tâm, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phấn khởi trước sự phát triển của địa phương. Điều này đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giảm 3,05%, đạt chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào DTTS đạt 46,8 triệu đồng/năm… Phát biểu tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cho biết: Triển khai chương trình thời gian đầu tỉnh gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành và nỗ lực quyết liệt từ chính quyền địa phương, tỷ lệ giải ngân đã có những cải thiện đáng kể. Tỉnh đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn năm 2022 và 2023, đồng thời phấn đấu đạt 95% cho nguồn vốn năm 2024. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo và đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc phân bổ và giải ngân vốn cho các dự án. Đối với những tiểu dự án có tiến độ giải ngân chậm, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để tăng tốc tiến độ thực hiện.

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nâng cao chất lượng kết nghĩa với xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh còn đẩy mạnh công tác kết nghĩa với xã đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc). Hoạt động này đã tạo mối quan hệ tình cảm gắn bó, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết và phát triển kinh tế ở địa phương...
Nổi bật
Bí thư Tỉnh ủy chủ trì giao ban các đơn vị khối Đảng trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 2025
BTO-Sáng 25/12, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban công tác khối Đảng quý IV và giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có tập thể lãnh đạo các cơ quan thuộc khối Đảng cùng Thường trực Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số