Theo dõi trên

Tánh Linh khai thác “điểm mạnh” của địa bàn miền núi

07/12/2022, 05:33

Là địa bàn miền núi ở phía Tây Nam Bình Thuận và tiếp giáp 2 tỉnh lân cận (Lâm Đồng, Đồng Nai), huyện Tánh Linh hiện sở hữu những “điểm mạnh” được định hướng khai thác đem lại hiệu quả trong giai đoạn mới...

Toàn huyện có trên 112.600 ha đất nông nghiệp, trong đó bao gồm gần 66.700 ha đất lâm nghiệp và hơn 45.900 ha đất sản xuất nông nghiệp. Do vậy thời gian qua, thế mạnh của Tánh Linh là sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là diện tích lúa gieo trồng hàng năm (khoảng 28.600 ha), cây cao su (21.862 ha), cây điều (5.774 ha)… Đặc biệt với cây lúa, địa phương đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên diện tích cánh đồng lớn gần 1.200 ha. Hiện có nhiều đơn vị tham gia liên kết như Công ty cổ phần Lộc Trời, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Nhật Phát, Công ty TNHH Đại Nông Cơ giới và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn.

img_0020.jpg
Nhà máy sản xuất gạo trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi tại Tánh Linh cũng phát triển ổn định với tổng đàn gia súc 33.200 con, đàn gia cầm 700.000 con và diện tích nuôi thủy sản khoảng 400 ha. Đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được duy trì ổn định với các ngành nghề: Sản xuất gạch hoffman, cơ khí sửa chữa, xay xát lương thực, sơ chế nhân hạt điều, chế biến mủ cao su, đá xây dựng các loại. Cùng với một số điểm du lịch như: Thác Bà, suối nước nóng Đức Bình, Thác trượt Đức Phú, Hồ Biển Lạc... đã thu hút lượng khách không nhỏ đến địa phương, tính riêng Khu du lịch Sinh thái Thác Bà đón khoảng 45.000 lượt khách tham quan mỗi năm.

img-1239.jpg
Thác Bà - điểm du lịch hút khách của Tánh Linh.

Theo định hướng, tới đây khu vực Bắc sông của huyện sẽ chú trọng quy hoạch sử dụng đất cho phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - khám phá ở Đức Phú (Thác Trượt, Thác Đầu Trâu, Thác Mưa Bay), La Ngâu (Hồ Đa Mi, Thác Mai, Hồ Tiên, Thác Đaguri), Đồng Kho (Núi Long). Hoặc du lịch truyền thống - về nguồn ở Bắc Ruộng (Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng), La Ngâu (Căn cứ địa Nam Sơn) và du lịch văn hóa - tâm linh ở Đồng Kho. Song song đó hình thành các cụm công nghiệp, chế biến nông sản và thương mại - dịch vụ ở Đức Phú, Nghị Đức, Măng Tố, Bắc Ruộng... và phấn đấu xây dựng Đồng Kho cơ bản đạt đô thị loại V vào năm 2030.

Trong khi khu vực nam sông của huyện cũng quan tâm quy hoạch sử dụng đất cho phát triển nông nghiệp an toàn, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - khám phá ở Đức Thuận (Thác Bà), Gia An (Biển Lạc), du lịch truyền thống - về nguồn ở Lạc Tánh (Đồi Lồ Ồ) và Đức Thuận (Căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Bình Tuy ở khu vực Thác Bà), du lịch văn hóa - tâm linh ở Lạc Tánh (gắn với di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Lạc Tánh và Đình khu phố Chăm). Tiếp tục phát triển các cụm công nghiệp ở Suối Kiết, Gia An, Lạc Tánh cũng như phấn đấu hình thành khu công nghiệp, logistics và quản lý chuỗi cung ứng phù hợp ở Gia Huynh, Suối Kiết. Ngoài ra địa phương còn tập trung xây dựng thị trấn Lạc Tánh đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2030, gắn với phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại.

Dù vậy, ông Giáp Hà Bắc - Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho rằng địa phương vẫn còn một số mặt hạn chế, như sản phẩm nông nghiệp tuy đa dạng nhưng việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch gặp khó do chưa có nhà đầu tư tiếp cận. Khu vực đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khu - cụm công nghiệp thuộc đất rừng sản xuất (cây cao su), nên việc đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp gặp khó khăn. Hay như Kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân và hệ thống công trình trên kênh đầu tư kéo dài, đối với hệ thống kênh chính, kênh nhánh thuộc công trình thủy lợi Tà Pao thì chưa đồng bộ dẫn đến khó chủ động nguồn nước tưới. Hiện hệ thống nhà máy cấp nước, hệ thống nhà máy nước sinh hoạt đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu và ảnh hưởng tiêu chí liên quan trong xây dựng nông thôn mới nơi đây…

Những khó khăn, tồn tại nêu trên đã được lãnh đạo huyện kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng trong chuyến thăm, làm việc tại Tánh Linh vào đầu tháng 12/2022. Qua đó tìm hướng giải quyết hợp lý, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để tập trung nguồn lực khai thác hiệu quả những “điểm mạnh”, góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Về định hướng quy hoạch ngành, lĩnh vực tại Tánh Linh thì với đất trồng trọt thông thường (cây lúa, cây hàng năm, cây lâu năm) đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng một lượng đáng kể nông sản cho các địa phương khác trong lẫn ngoài tỉnh. Còn rừng vẫn đảm bảo tỷ lệ độ che phủ khoảng 56 - 57% so với tổng diện tích đất tự nhiên, gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp hợp lý. Trong khi khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất thương mại - dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp tại địa phương sẽ tăng thêm…

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng
Theo đánh giá kết quả dự ước, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022 có sự phục hồi nhanh, tích cực trên nhiều mặt với nhiều gam màu sáng...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh khai thác “điểm mạnh” của địa bàn miền núi