Theo dõi trên

Tánh Linh: Phát triển kinh tế tập thể để nâng thu nhập cho nông dân

18/09/2024, 05:08

Với một huyện miền núi, đa phần người dân làm nông nên việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng là nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là vấn đề mà nhiều năm qua hệ thống chính trị Tánh Linh luôn đưa vào nhiệm vụ trọng tâm…

Hiệu quả bước đầu

Bây giờ không chỉ trong tỉnh mà cả nước đều biết đến thương hiệu “Gạo Tánh Linh” với sản phẩm gạo lứt Đức Lan, gạo Đức Lan ST25, chả cá thát lát Tánh Linh, hạt điều Hoàng Phú, sầu riêng Đức Phú, thỏ gác bếp Huy Khiêm… Để có được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đưa ra thị trường, Tánh Linh đã kiên trì thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường phát triển kinh tế tập thể… Để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tương ứng với nâng cao thu nhập cho nông dân, điểm mấu chốt là phải tạo điều kiện để nông dân – doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo thế "chân kiềng" để phát triển bền vững. Từ đây, nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được hình thành rộng khắp ở các xã, thị trấn.

z5834740747521_73cafd4b25a1d68df0c5c3928974619e.jpg
z5834740740369_3f27bedc0e0c30589d2da22ea11cc05a.jpg

Các sản phẩm của Tánh Linh.

Ông Lê Xuân Tuấn – Phó Phòng Tài chính huyện Tánh Linh, Phó Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện cho biết, Tánh Linh hiện có 24 THT với 158 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa giống, thủy nông, làm đất, thu hoạch. 16 HTX và 2 Quỹ tín dụng. Tổng số thành viên khi đăng ký của HTX là 316 thành viên với tổng số vốn đăng ký hoạt động là 14,296 tỷ đồng, cán bộ quản lý HTX 36 người với doanh thu bình quân 800 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của thành viên từ 5 - 10 triệu đồng/thành viên/tháng. Hầu hết các HTX hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh và phương án sản xuất kinh doanh HTX đã xây dựng.

Để kinh tế tập thể phát triển đúng định hướng, 13/13 xã, thị trấn ở huyện đều ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2024. Huyện đã phê duyệt và hỗ trợ 5 dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, HTX DVNN Gia An. Song song cũng thành lập 3 HTX gồm HTX Nông Lâm Gia – Huy Khiêm và HTX Sầu riêng Đức Phú với số vốn đăng ký 1 tỷ đồng, với 43 thành viên, HTX Bắc Ruộng 1 với 22 thành viên.

z5834740726801_c9716bb1466f807478cd232b1daa959c.jpg
z5834740724960_41070245db93ffd287cf6bef1623647c.jpg

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện Tánh Linh, các HTX hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả, sản phẩm sản xuất ra ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, các Quỹ TDND vẫn tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng, kiểm soát tốt nợ xấu, tín dụng tăng trưởng khá. Các thành viên thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong dân, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần bảo đảm an ninh xã hội ở địa phương. Hầu hết các HTX đã tổ chức đại hội thành viên thường niên theo quy định của Luật HTX . Có 8/11 đã tổ chức đại hội, 3 HTX chuẩn bị tổ chức đại hội HTX Đức Thuận, HTX Huy Khiêm, HTX Đũa Thái Nguyên. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục hướng trọng tâm vào phục vụ lợi ích của xã viên bằng các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng hơn được xã viên ủng hộ. HTX Đức Bình có 3 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt 3 sao cấp huyện đợt 1 năm 2024, trong đó có 2 sản phẩm đang đề nghị tỉnh công nhận 4 sao (gạo Đức Lan (ST25), gạo lứt Đức Lan (ST 25), HTX Sầu riêng Đức Phú được công nhận 3 sao).

z5834740717969_1e24fc8ff4f40b41763462a013b49dc0(1).jpg

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể ở Tánh Linh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn; hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn có quy mô nhỏ về thành viên, vốn điều lệ thấp. Đây là một hạn chế rất lớn trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn khá hạn chế; lớn tuổi, các xã viên trong HTX hoạt động độc lập, thiếu liên kết. Vì thế, chế độ thông tin báo cáo chưa đầy đủ, việc giải thể các HTX gặp khó khăn, nhất là lĩnh vực thuế (nợ thuế). Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mô hình HTX kiểu mới tuy được quan tâm thực hiện...

Theo Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện Tánh Linh, ngoài những khó khăn trên, vấn đề nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong một số cán bộ ở các cấp, các ngành chưa đầy đủ, từ đó thiếu quan tâm chỉ đạo, điều hành để phát triển kinh tế tập thể. Đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách cấp huyện chưa có, chỉ mang tính kiêm nhiệm và thay đổi nhiều lần nên việc theo dõi nắm bắt và tham mưu đề xuất quản lý theo dõi lĩnh vực kinh tế tập thể còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, năng lực còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn hoạt động tốt chưa nhiều dẫn đến việc phổ biến, nhân rộng mô hình còn hạn chế, chưa thuyết phục được người dân tham gia vào HTX. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực kinh tế tập thể hiện nay chủ yếu được vận dụng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, điều kiện phải có vốn đối ứng nên việc tiếp cận triển khai khó khăn, chưa tạo điều kiện, động lực để HTX phát triển.

Để khắc phục những hạn chế trên, Tánh Linh đã tổ chức quán triệt sâu rộng về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Trong đó thành lập mới các HTX theo Luật HTX 2023 nhằm khuyến khích và phát triển HTX hoạt động theo đúng bản chất HTX, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của thành viên, nâng cao năng lực hoạt động của HTX với mục tiêu đoàn kết, hợp tác phát triển vì cộng đồng và an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, thành viên HTX trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể.

Triển khai các chính sách ưu đãi của UBND tỉnh, hỗ trợ của Trung ương để phát triển kinh tế tập thể, nhất là các chính sách hỗ trợ về xây dựng sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống của các tổ chức kinh tế tập thể, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể tăng số lượng thành viên, mở rộng quy mô hoạt động… Kiến nghị cơ quan thuế (Cục Thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục Thuế cấp huyện) quan tâm hơn nữa trong việc tham gia phối hợp, hướng dẫn các HTX về thủ tục khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, các chính sách ưu đãi về thuế. Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tập thể…

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đặc tính "kiên cường" của cây sam hương giữa biển khơi Phú Quý
Đối với người dân đảo Phú Quý, sam hương đã trở thành loại cây thân thuộc, có ý nghĩa vật chất, tinh thần và cùng đồng hành với họ qua mưa giông, bão tố.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Phát triển kinh tế tập thể để nâng thu nhập cho nông dân