Theo dõi trên

Tảo hôn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển tiến bộ xã hội

28/09/2023, 05:24

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh đã có sự tiến bộ rõ nét, đặc biệt là không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống xảy ra trong năm qua. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra ở một số vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hệ lụy của việc tảo hôn

Tảo hôn là một vấn nạn lớn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào DTTS cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội. Thời gian qua, các các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn. Đến nay, tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS tại tỉnh đã giảm đáng kể, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng tảo hôn. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 32 trường hợp tảo hôn, trong đó tảo hôn cả vợ và chồng là 13 trường hợp và vợ hoặc chồng tảo hôn là 19 trường hợp. Nguyên nhân của việc tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra đó là, đời sống của nhân dân vùng DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, chưa am hiểu nhiều về pháp luật. Đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để gia đình có người nối dõi tông đường, có thêm nhân lực làm công việc ruộng nương… trong khi pháp luật chưa quy định chế tài đủ mạnh để răn đe, trừng phạt các hành vi liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở một số xã còn hạn chế, phương thức tuyên truyền chưa thu hút được nhiều người dân tham gia. Nguyên nhân nữa là do nhận thức của một số gia đình chưa đầy đủ, chưa đúng đắn của các bậc cha mẹ và các em trẻ vị thành niên về tình trạng tảo hôn. Việc giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức…

to-roi-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-bang-tieng-kinh_page-0001.jpg

Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi chưa thành niên ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Tảo hôn còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS. Tảo hôn còn để lại hậu quả rất nguy hiểm. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình. Nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Khoa học đã chứng minh, những bạn gái mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên trẻ có nguy cơ bất thường cao, nguy cơ sinh non, nguy cơ trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng...  

article.jpg

Các ngành, địa phương vào cuộc để giảm thiểu tình trạng tảo hôn

Xác định tình trạng tảo hôn vùng đồng bào DTTS không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số mà còn là nguyên nhân dẫn đến nghèo khó, kém phát triển. Chính vì thế UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai các văn bản có liên quan tại địa bàn các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống. Với sự chỉ đạo trên, các ngành, địa phương trong tỉnh đã vào cuộc. Theo đó, Ban Dân tộc triển khai việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân tuân thủ pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS theo đúng các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, phù hợp với phong tục tập quán văn hóa của các dân tộc, ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS của tỉnh. UBND huyện Bắc Bình tăng cường sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với tình trạng tảo hôn. Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện và phân công cụ thể cán bộ trực tiếp lãnh, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời phát huy vai trò của gia đình và cá nhân trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới và các chính sách pháp luật khác của Nhà nước. Bên cạnh đó xây dựng các mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn như Câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ phụ nữ sinh 1 bề không sinh con thứ 3… Xác định tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số mà là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo khó, kém phát triển. Do đó, UBND huyện Tánh Linh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong huyện thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai Pháp lệnh dân số, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và các văn bản có liên quan, nhất là tại địa bàn các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” giai đoạn II (2021 - 2025) trên địa bàn huyện Tánh Linh. Còn huyện Hàm Thuận Bắc căn cứ tình hình thực tế, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn liên quan tổ chức rà soát, nắm tình hình thông qua tổ tự quản, thông qua nhóm nòng cốt, phối hợp các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức các hoạt động, các hình thức tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản luật mới góp phần tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào về tình trạng tảo hôn vùng đồng bào DTTS.                        

P. LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trao 300 phần quà Trung thu cho trẻ em nghèo, khó khăn
BTO-Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã La Gi cùng với Thị đoàn vừa tổ chức chương trình tặng quà vui Trung thu cho các em thiếu nhi nghèo, khó khăn tại phường Tân An.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tảo hôn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển tiến bộ xã hội