Theo dõi trên

Táo xanh trên vùng đất hạn

19/10/2022, 14:14

Vài năm gần đây, thị trường tiêu thụ táo mở rộng, giá cả ổn định, nhiều người dân huyện Tuy Phong đã tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích trồng táo.

Tổng diện tích trồng táo trên địa bàn huyện Tuy Phong khoảng 60 ha, tập trung chủ yếu tại xã Phong Phú, Phú Lạc và Phước Thể. Năng suất đạt 4,2 tấn/sào/năm.

tao-day-xanh-3.png

Những ngày này về xã Phong Phú, chúng tôi bắt gặp không ít niềm vui của các gia đình, bên những vườn táo dây xanh. Dạo quanh giữa khu vườn trĩu trái, trải đầy màu xanh mượt của táo, chị Nguyễn Thị La với vẻ tự hào cho biết, năm 2005, từ quê nhà Đắk Nông vợ chồng chị đã tìm đến và lập nghiệp trên vùng đất Phong Phú khô cằn, sỏi đá như một cái duyên. Ngày đến đây, vợ chồng chị đã gom góp hết vốn liếng mua được 7 sào đất nông nghiệp, sau khi tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, anh chị quyết định trồng 4 sào táo dây xanh, 3 sào đất còn lại trồng các cây hoa màu khác nhưng thấy sản xuất hoa màu không hiệu quả nên anh chị đã chuyển luôn 3 sào đất sang trồng táo. Bằng sự chịu thương, chịu khó lại siêng năng chăm bón, hàng năm gia đình chị thu được khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Không riêng gì gia đình chị La thành công với cây táo dây xanh, mà các gia đình khác trên địa bàn xã Phong Phú và xã lân cận như Phước Thể, Phú Lạc cũng trồng, nhiều gia đình tìm thấy niềm vui, có nguồn thu ổn định hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Võ Chí Thanh – xã Phước Thể cho biết: “Mấy lúc thì làm ruộng, nói chung không đạt bao nhiêu, rồi thấy nhiều nông dân làm táo đạt nên tôi cũng bắt chước học hỏi trồng, mà cây táo này dễ trồng chủ yếu phân thuốc đày đủ là phát triển. Một tháng thu nhập trung bình hái táo cỡ mười mấy triệu đồng hoặc hai chục triệu đồng cũng có… có khi hơn nữa”.

tao-day-xanh-1.png

Theo bà con nông dân, táo dây xanh dễ trồng, bộ rễ phát triển mạnh, ăn sâu trong lòng đất nên cây táo có thế mạnh trong chống hạn, chi phí đầu tư ít hơn cây nho, thanh long nhiều lần. Táo sau thời gian trồng khoảng 7 tháng là bắt đầu cho trái non.

Táo dây xanh trước đây được nông dân huyện trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà, thu hoạch trái chủ yếu tiêu thụ quanh vùng. Vài năm gần đây táo Tuy Phong được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ được mở rộng, người dân trong huyện tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích. Sản lượng tăng nên các thương lái nhiều nơi cũng tìm về thu mua để đem đi tiêu thụ tại các thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Giống táo dây xanh trái nhỏ (từ 10 - 25 trái/kg), màu xanh vàng bóng, giòn và có vị ngọt thanh. Đặc điểm khí hậu Tuy Phong nắng nhiều, khô hanh gần như quanh năm rất phù hợp với cây táo.

Song song với phát triển diện tích cây táo, bà con nông dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng táo cho năng suất cao hơn, chất lượng hơn, bằng cách trồng táo trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới phun, tiết kiệm nước. Cách làm này nhằm phòng trừ côn trùng gây hại đặc biệt là ruồi vàng đục trái (giảm khoảng 60%) và giảm thuốc bảo vệ thực vật khoảng 40%, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng suất đạt 4,2 tấn/sào/năm, lợi nhuận tăng thêm khoảng 15-20% so với cách làm trước đây. Trồng táo trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới phun đã mang lại hiệu quả cao và đã được nhân rộng trên địa bàn xã Phong Phú và Phú Lạc (hiện nay diện tích trồng táo gần 60 ha, trong đó có khoảng 40 ha sử dụng nhà lưới kết hợp tưới tiết kiệm) và có xu hướng phát triển trong thời gian tới.

tao-day-xanh-2.png

Ông Nguyễn Văn Long – xã Phước Thể chia sẻ cách làm: “Bữa nay mình làm lưới thấy nó chắc ăn, còn trước kia làm sâu nó ăn hết… khuyến khích bà con nên làm lưới để cho an toàn, không bị ruồi vàng đục quả và ít sử dụng phân thuốc, cho ra sản phẩm sạch, an toàn”.

Đến nay, cây táo được trồng ở hầu hết các địa phương trong huyện. Tập trung nhiều ở xã Phong Phú. Nơi đây vốn được nhiều người biết đến là vùng trồng cây thanh long và các loại cây trồng ngắn ngày khác; vài năm trở lại đây, diện tích thanh long bị thu hẹp lại, cây táo xuất hiện và dần thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả khác. Trước năm 2020, Phong Phú chỉ có 10 ha đất trồng táo, nhưng từ năm 2021 đến nay, con số này đã tăng lên đáng kể (gần 50 ha). Hiện nay, xã Phong phú đã thành lập 1 tổ nghề nghiệp về mô hình trồng táo trong nhà lưới tại địa bàn thôn Tuy Tịnh 1, với 17 hội viên nông dân tham gia/5ha.

Ông Võ Ngọc Tân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú cho biết thêm: “Hướng sắp đến hội nông dân xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng, trong đó, có UBND xã Phong Phú sẽ có định hướng mô hình trồng táo trong nhà lưới, mô hình sạch. Thứ hai nữa là tìm đối tác ngoài địa bàn, ngoài tỉnh để tăng cường thêm nơi tiêu thụ khi sản lượng táo tại địa bàn Phong Phú tăng lên”. Không riêng gì xã Phong Phú mà ngay như xã Phú Lạc, cách đây vài năm, ai cũng nghĩ vùng đất Phú Lạc chỉ biết trồng nho và một số cây trồng khác, thế nhưng gần đây với cách nghĩ, cách làm của những người nông dân đã mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất này. Cây táo dây xanh đã trở thành cây trồng chủ lực cho không ít gia đình nơi đây, nó đã chiếm dần vị thế độc tôn cây nho một thời. Diện tích táo ở huyện vì thế từ chỗ vài ha đến nay đã tăng lên hơn 50 ha. Song song với quá trình phát triển diện tích trồng táo, bà con nông dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên đạt hiệu quả rất cao, khẳng định được tính ổn định và bền vững. Táo dây xanh Tuy Phong hiện được người tiêu dùng ưa thích bởi ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, khi ăn có độ giòn, vị ngọt thanh nên bán rất chạy. Sản lượng táo hiện nay ít không đủ cung cấp cho thị trường.

Cây táo trồng trên vùng đất khô hạn huyện Tuy Phong đang dần chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng, mở ra một triển vọng mới cho nông dân trong huyện.

KIM ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong vừa ký ban hành văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại các huyện, thị xã, thành phố.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Táo xanh trên vùng đất hạn