Tham dự lớp tập huấn có đại diện Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp và Tổ tư vấn thanh long VietGAP các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết; tổ khuyến nông cộng đồng một số xã trên địa bàn tỉnh, cùng đại diện HTX rau VietGAP Phú Long và HTX Nông nghiệp hữu cơ Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc).
Tại lớp tập huấn, giảng viên hướng dẫn sử dụng phần mềm nông nghiệp số Bình Thuận trên điện thoại di động, bao gồm các bước đăng ký tài khoản và cài đặt phần mềm. Thông qua phần mềm, người dân, HTX có thể khai báo thông tin lô sản xuất và sản phẩm; ghi chép nhật ký và biến động sản lượng; sử dụng chức năng truy xuất nguồn gốc và được hướng dẫn kết thúc vụ sản xuất, tiếp tục ghi chép nhật ký…
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong năm 2023, được sự hỗ trợ từ chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm có theo dõi dấu chân các bon trên cây thanh long, đồng thời mở rộng nhiều lớp tập huấn cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trung tâm đã mở rộng phần mềm truy xuất nguồn gốc ra các đối tượng cây trồng khác (lĩnh vực trồng trọt), đã tích hợp APP trên 2 hệ điều hành IOS và Android với tên gọi: NÔNG NGHIỆP SỐ BÌNH THUẬN. Song song, đơn vị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện video hướng dẫn sử dụng và post trên kênh Youtobe “KHUYẾN NÔNG BÌNH THUẬN” để người dân, HTX nắm bắt triển khai rộng rãi.
Theo kế hoạch, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo trực tiếp, trực tuyến, hướng dẫn nhiều clip kỹ thuật trên kênh youtobe… cho các tổ khuyến nông cộng đồng về chuyển đổi số và nâng cao việc sản xuất thanh long VietGAP…