Theo dõi trên

Tập trung và nhẫn nại

15/09/2023, 05:56

Để hoàn thành bất cứ việc gì, đòi hỏi chủ thể hoạt động phải có sự tập trung, và có khi, cần có sự nhẫn nại nhất định. Tập trung và nhẫn nại để có thể làm tốt nhất một công việc, một kế hoạch, nhằm đạt mục tiêu đã được định hướng.

1. Tập trung theo nghĩa thông thường là dồn sức hoạt động, hướng các hoạt động vào một việc gì. Quan sát quanh mình, ai cũng có thể thấy: làm việc gì, mọi người cũng đều cần phải có sự tập trung.

Đơn cử, người đầu bếp, để có thể chế biến những món ăn ngon, cần có sự tập trung cao, từ chọn nguyên liệu, đến sơ chế, nấu nướng. Tập trung vào mọi công đoạn, mới có thể làm ra những món ăn thật hấp dẫn người dùng. Người thợ xây một ngôi nhà, một công trình, cần nghiên cứu kỹ bản vẽ, tập trung sức lực của mình để xây đúng theo thiết kế, đảm bảo chất lượng công trình, đạt yêu cầu thẩm mỹ, giá trị sử dụng cao.

cau-ca.jpg
Ảnh minh họa.

Một chuyên viên làm việc trong lĩnh vực chuyên môn, tham mưu lãnh đạo ban hành các văn bản chỉ đạo, cần sự tập trung cao trong nghiên cứu văn bản của cấp trên, dự thảo các văn bản đúng yêu cầu của lãnh đạo, phù hợp với tình hình thực tế. Một bác sĩ tập trung trong thăm khám bệnh nhân, quan sát các biểu hiện của người bệnh, cho tiến hành các xét nghiệm cần thiết, tìm ra đúng bệnh, giúp người bệnh có những chỉ định thuốc men phù hợp để sớm lành.

Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng rất cần có sự tập trung. Nhạc sĩ phải hết sức tập trung trong lao động mới có thể sáng tác những nhạc phẩm hay, chạm được vào lòng người, tạo nên những rung cảm khác nhau trong lòng khán thính giả. Nhiếp ảnh gia tập trung khi tìm đề tài, tìm cảnh sắc tươi đẹp của quê hương, của đất nước, từ cuộc sống quanh mình để lưu lại những điều ấy trong ống kính, thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật sinh động được công chúng mến mộ. Người hoạt động ở lĩnh vực thể thao thành tích cao cũng thế: tập trung khi tập luyện và càng phải hết sức tập trung khi tham gia thi đấu ở các đấu trường trong nước, khu vực.

Cùng biết bao sự tập trung vào những công việc khác nhau nữa. Sự tập trung sức lực, trí tuệ ấy của những người ở những lĩnh vực, công việc khác nhau phần đông hướng vào một mục tiêu, hoặc tập trung vào những gì hiệu quả nhất. Có mục tiêu trước mắt, có mục tiêu lâu dài. Hiệu quả có thể thấy ngay sau khi chủ thể hoạt động tiến hành các hoạt động. Hoặc hiệu quả có thể gặt hái sau những năm tháng tập trung làm việc, học tập, nghiên cứu.

2. Cùng với sự tập trung, sự nhẫn nại cũng giúp hoạt động của chủ thể, của những con người đem lại hiệu quả. Nhẫn nại được hiểu là sự kiên trì, bền bỉ chịu đựng những khó khăn, vất vả nào đó để làm việc gì. Sự nhẫn nại cần thiết đối với tâm tính của mỗi người.

Và điều dễ nhận ra là, với những con người khác nhau, thì sự nhẫn nại là khác nhau trong làm việc, hoạt động, học tập. Nhìn một lớp học, trước một số lượng bài tập khá nhiều do giáo viên đưa ra, có những em học sinh có thể kiên trì dành thời gian khá dài để giải quyết cho hết những bài tập giáo viên yêu cầu. Song cũng có em thiếu kiên nhẫn để có thể tự mình làm cho hết các bài tập. Nói về hiệu quả của sự nhẫn nại, Vera Inber đã từng viết: “Chỉ có nhẫn nại mới biến lá dâu thành lụa”.

Có những em thiếu niên, tuổi còn rất nhỏ, được những huấn luyện viên của những bộ môn thể thao thành tích cao xem xét thể chất, chọn lựa, từ đó huấn luyện các em trở thành những vận động viên chuyên nghiệp (bóng đá, thể dục dụng cụ, bơi lội, nhảy cầu…). Từ đây, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại tập luyện của các em trong rất nhiều năm để những thiếu niên ấy có thể trở thành những vận động viên gặt hái những thành tích tốt trong thi đấu ở các đấu trường khác nhau, trong nước, quốc tế.

Nghệ thuật cũng là một trong những hoạt động cần sự kiên trì, nhẫn nại trong học tập, khổ luyện. Luyện đàn (Piano, Violon, Guitar, Organ, và cả những nhạc cụ dân tộc…) đòi hỏi người học phải đổ rất nhiều thời gian, công sức, trên nền của năng khiếu, mới có thể thành công. Múa, xiếc cũng là những bộ môn nghệ thuật đòi hỏi bản thân người học cũng phải có tố chất và tập luyện rất kiên trì, đổ rất nhiều mồ hôi, công sức mới có thể có những giờ phút thăng hoa trên sàn diễn.

Biết bao việc của xã hội đòi hỏi người lao động phải thật nhẫn nại, phải thật kiên trì mới đem lại những thành công trong hoạt động thường ngày, và càng cần hơn trong nghiên cứu khoa học.

3. Tập trung và nhẫn nại, có lúc là những phẩm chất riêng lẻ của mỗi con người, có khi lại là sự kết hợp cùng nhau. Người có năng lực tập trung cao, thường sẽ nhẫn nại trong làm việc, trong học tập, trong nghiên cứu khoa học, sẽ dễ đạt được những thành công. Cũng như thế, người chịu khó, kiên trì, nhẫn nại trong suy nghĩ, trong hoạt động, làm việc sẽ tập trung hơn, hiệu quả việc làm sẽ đến, hoàn toàn không là sự bất ngờ.

PHÚC NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chiến sỹ dân quân TP.Phan Thiết hiến máu cứu sản phụ qua cơn nguy kịch
BTO-Từ thông tin của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cần người hiến máu cho một sản phụ thai ngoài bị vỡ tử cung, thuộc nhóm máu AB, Rh+. Đây là một trong những nhóm máu hiếm thuộc nhóm AB, Bệnh viện không có sẵn.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập trung và nhẫn nại