Theo thống kê, vụ đắm tàu vào ngày 14/6 ngoài khơi Hy Lạp là một trong những vụ việc tồi tệ và đau lòng nhất trong nhiều năm qua sau khi các cơ quan chức năng tìm thấy 78 thi thể người di cư, 104 người được giải cứu và hàng trăm người khác đã mất tích. Đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và Tổ chức di trú quốc tế cũng đã có mặt ở miền nam Hy Lạp để cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ và giúp đỡ những người còn sống sót.
Trong một tuyên bố chung, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức di trú quốc tế (IOM) cho rằng, nhiệm vụ cấp cứu người gặp nạn trên biển ngay lập tức là quy định cơ bản trong luật biển quốc tế. Theo các cơ quan này, cách tiếp cận hiện tại đối với các tuyến đường người di cư vượt biển Địa Trung Hải vào EU là không phù hợp.
Ảnh: theo dailysabah
Theo số liệu do IOM công bố, 3.800 người đã thiệt mạng trên các tuyến đường di cư trong và ngoài Trung Đông và Bắc Phi vào năm ngoái – đây là con số cao nhất kể từ năm 2017. Bi kịch gần đây tiếp tục khiến các nhà nghiên cứu chính sách thêm lo ngại khi chưa tìm được giải pháp phù hợp để giảm thiểu dòng người di cư vào châu Âu.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, số lượng người di cư đang gia tăng nhanh trong năm qua, đồng thời, kêu gọi Liên minh châu Âu đặt sự đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm làm trọng tâm trong hành động của mình ở Địa Trung Hải.
Ông Federico Soda, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của IOM cho rằng, các quốc gia cần hợp tác với nhau và giải quyết các lỗ hổng hiện tại, cần tích cực chủ động tìm kiếm, cứu hộ và đưa người lên bờ nhanh chóng. Đại diện các cơ quan cũng đề cập, cần tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát và sớm đưa những kẻ buôn người ra ánh sáng.