Tại đây, các thành viên trong đoàn được tìm hiểu về cách nuôi, cách chăm sóc thỏ như thế nào, thời gian bao lâu thì có thể cung ứng được cho thị trường.
Chia sẻ về cách chăn nuôi thỏ, ông Nhiều cho biết thêm: Nuôi thỏ không khó, nhưng chuồng trại cần phải thoáng mát, sạch sẽ, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp và bổ sung thêm rau, cỏ... Bên cạnh đó, dành thời gian quan sát, kiểm tra đàn thỏ hàng ngày, nếu thấy thỏ có biểu hiện bị bệnh, kém ăn, mệt mỏi, phải tách đàn để chăm sóc riêng…
Được biết, gia đình ông Nhiều có trên 30 con thỏ bố mẹ và gần 80 con thỏ nhân giống và thương phẩm đang trong quá trình trưởng thành (thỏ giống NewZealand). Đàn thỏ của ông được bố trí nuôi trong 50 ô chuồng bằng lưới kẽm nằm trọn trong gian nhà 60m2 lợp tôn, phía dưới đáy chuồng được trải 1 lớp trấu dày có xử lý thuốc khử trùng chống mùi hôi.
Hàng tháng, gia đình ông đều có sản phẩm xuất chuồng, chủ yếu là xuất thỏ thương phẩm nuôi từ 100-120 ngày. Mỗi con có trọng lượng từ 2,3-2,5kg được các thương lái trong và ngoài huyện mua với giá từ 70-80 ngàn đồng/kg. Thỏ giống nuôi từ trên 1 tháng tuổi với giá từ 100-120 ngàn đồng/con giống, nuôi thỏ đã giúp cho gia đình có thêm thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Qua đợt tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình chăn nuôi thỏ lần này, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã nhận thấy đây là mô hình hay mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Vì vậy thời gian đến sẽ phối hợp với các hội, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của mô hình chăn nuôi thỏ. Vận động người dân mạnh dạn tận dụng diện tích đất xung quanh nhà làm chuồng, trồng cỏ đầu tư nuôi thỏ để có thêm thu nhập ổn định đời sống.