Theo dõi trên

Thanh Minh trong tiết tháng ba…

29/03/2019, 14:13

BT- Tiết Thanh Minh Kỷ Hợi 2019 lại về!

Mỗi chúng ta chắc ai cũng thuộc đôi câu thơ trong truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du: Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. Tiết Thanh Minh khí trời trong sáng, cỏ non xanh đã mọc đầy đồng, người người tổ chức lễ tảo mộ, quét tước sửa sang mồ mả tổ tiên ông bà cha mẹ, người thân: Ngổn ngang gò đống kéo lên/Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay; rồi cùng nhau giẫm lên đám cỏ xanh non mà thành ra ngày hội đạp thanh!. Đông vui như vậy, ấm lòng cả người trên trần thế và cả người nằm dưới mộ. Vậy mà còn có cảnh: Sè sè nắm đất bên đàng/Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh/Rằng: “Sao trong tiết Thanh Minh/Mà đây hương khói vắng tanh thế mà”. Thương thay cho một nấm mồ hoang vô chủ, không người nhang khói, thật cám cảnh cho: Trăm năm trong cõi người ta!...

                
Thanh Minh Tự - “Nét đẹp trầm mặc giữa    thành phố biển”. Ảnh: Đình Hòa

Không biết từ thuở nào, “Thanh Minh” đã trở thành “công việc chăm lo cho những người quá cố (về lại chốn xưa !?)”. Trong công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam của chúa Nguyễn, Bình Thuận là một điểm dừng chân của “lưu dân” Ngũ Quảng mang theo những phong tục tập quán của miền quê cũ và thích ứng với miền quê mới vốn nổi tiếng “hoang vu” như câu phương ngôn truyền lại “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Ngày trước ở mỗi bãi “Tha Ma” đều có lập một cái am hay một ngôi miếu nhỏ “Thanh Minh” để thắp nhang van vái chung cho những âm hồn không nơi nương tựa (dễ biến thành ma quỷ). Tại mỗi làng xóm lập nên hội có nhiệm vụ chăm lo mai táng người chết được gọi tên là “‘hội Thanh Minh”, có nơi còn lập hẳn một “cảnh chùa” được gọi là “chùa Thanh Minh” (Thanh Minh Tự)  để thờ Thần Tiêu Diện Đại Sĩ  (dân gian còn gọi là ông Tiêu), là vị thần theo tích nhà Phật là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh “Thống sức tam thiên ngạ quỷ/Quản trị thập loại cô hồn” (Thống lãnh ba nghìn ngạ quỷ/Cai quản mười loại cô hồn). Là hóa thân của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng (thanh minh!?), nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo. Bên cạnh thờ ông Tiêu, trong dân gian còn lập Miếu bà Ngũ Hành để thờ 5 vị Thánh Mẫu biểu tượng của  Kim - Mộc - Thủy - Hỏa -Thổ làm cho vạn vật sinh thành, cả hai cõi âm dương, theo thuyết “Vạn vật sinh thành do duyên hợp/Ngũ hành thâu nhiếp tại âm dương” (Vạn vật hình thành do duyên hợp/Ngũ hành gộp cả hết thảy ở âm dương).

 Từ chùa Thanh Minh ở làng Đức Thắng…

Trong quá trình sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng dân gian trên địa bàn, chúng tôi có được tập “Điều lệ Thành - Minh Hội” (Thành - Minh tương tế ái hữu hội) được in bằng chữ Pháp: Pagode “Thanh - Minh” (ASSOCIATION AMICALE ET MUTUELLE “Thành - Minh”) và chữ Việt (Quốc ngữ) như đã nêu trên. Bản Điều lệ do ông Phan Quang Hướng phụng soạn và ông Phạm Đình Chơn biên trấp, Tuần vũ Bình Thuận Mai Hữu Lan và Án sát Phan Thúc Ngô tâu xin Nam Triều Lại Bộ  cho hội được phép thành lập. Ngày mùng 7 tháng 7 năm Bảo Đại thứ X (le 5 Aout 1935)  có Chỉ Chuẩn (số 134) châu phê cho hội được phép thành lập tại Phan Thiết, hiệu là “Thành Minh ái hữu tương tế hội”. Nhưng vì sao hội lại có tên Thành Minh, liên quan gì đến hội Thanh Minh?. Đọc tiếp phần mở đầu “Tiểu dẫn” chúng ta sẽ hiểu:

                
Tượng thờ Tiêu Diện Đại Sĩ tại dinh Vạn    Thủy Tú.

“Chùa hội Thanh - Minh này sáng lập ra từ năm Thiệu - Trị thứ 7 là năm Định - vị (1847), tọa lạc tại địa phận làng Đức - Thắng (nay là phường Đức Thắng, Phan Thiết). Năm Hàm - Nghi nguyên niên (1885) thời hội Thanh - Minh giải táng. Lúc ấy có Khâm - sai Tổng - đốc Trần - Bá - Lộc… đến địa hạt Phan Thiết, lấy chùa hội làm chỗ dinh thự (chắc đóng quân đi đánh dẹp phong trào Cần Vương? T/G). Năm Thành - Thái thứ 5 (1893) có ông Hàn - lâm - viện - kiễm - tịch Nguyễn - Sỹ Hoằng, người làng Đức - Thắng, đứng lên sáng lập hội này lại. Buổi ấy sở chùa này phía trước có dinh Thanh - Minh để thờ vị thần Tiêu - Diện và các vị Cô - hồn, tiếp sau dinh Thanh - Minh thời có một cái chùa để thờ Phật. Ngay trước dinh Thanh - Minh có một cái chợ, lúc bấy giờ tục kêu là Chợ - chiều chùa Cô - hồn. Năm Thành - Thái thứ 7 (1895), xóm Đức - Thắng bị hỏa- tai, nên hội phải giải tán, giao nhà chùa lại cho làng, làng đem làm nhà hội - hương (nhà việc). Năm Thành - Thái thứ 11 (1899) mới thỉnh tượng của vị thần Tiêu- Diện đem gởi vào chùa Linh - Thắng tục danh là chùa Giếng - Giá. Năm Thành-Thái thứ 17 (1905) có ông Phan - Quang - Hướng kết tình giao - hảo với 12 ông hội - viên, mà lập chùa hội này lại…, hiệu là chùa hội “Thanh - Minh”. Năm Duy - Tân thứ 5 (1911), Cải hiệu là chùa Thành - Minh. Cái danh hiệu Thành - Minh mới có từ ấy cho đến bây giờ…”.

Cũng qua nghiên cứu từ bản Điều lệ hội cho chúng ta biết chùa Thanh Minh thờ 5 vị thần. Năm Khải Định thứ 8 (1924), nhơn lễ tứ tuần có 5 bản  sắc phong cho hội phụng tự trong đó có “Tiêu Diện Đại Vương Tôn Thần”. Từ sau năm 1975, sở chùa này đã xuống cấp, các bô lão phường Đức Thắng thống nhất di dời tượng thần Tiêu Diện và các thần về thờ tại dinh Vạn Thủy Tú và lưu giữ 5 bản sắc phong. Riêng ngôi chùa thờ Phật được xây mới bề thế hơn nằm cạnh dinh Vạn Thủy Tú với tên gọi “Tường Minh Tự”, tạo thành một quần thể di tích trên địa bàn phường Đức Thắng, hằng ngày bà con địa phương đến thắp hương lễ Phật, lễ Thần  và  đông đảo khách du lịch trong nước cũng như khách nước ngoài tham quan chiêm bái.

Đến chùa Thanh Minh và miếu Ngũ Hành ở làng Hưng Long

Vùng đất Hưng Long xưa được khai phá tập trung vào đầu thế kỷ XVIII, lúc đông đảo bà con ngư dân Ngũ Quảng vào quy dân lập ấp, xây dựng vạn chài, làng xóm cùng với các thiết chế văn hóa dân gian dân tộc bên tả ngạn cửa Phan Thiết (cùng với Đức Thắng bên hữu ngạn). Chùa Phật Quang được tạo lập vào nửa đầu thế kỷ XVIII. Khi xưa đây là một vùng động cát mênh mông nên chùa cũng được gọi là chùa Cát. Sau đó vào cuối thế kỷ XVIII, tại khu vực Đầm nằm phía sau những động cát ven biển cũng thuộc làng Hưng Long bấy giờ cũng còn lắm hoang vu với nhiều mồ mả đắp đất và rừng gai lưỡi long, các chức sắc và dân làng mới lập nên chùa Thanh Minh (Thanh Minh Tự) để thờ cúng các bậc tiên linh, vong linh, âm hồn những người đã khuất không nơi nương tựa.

Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, trước tác động của thời gian và môi trường, cũng như bom đạn chiến tranh… di tích đã bị xuống cấp trầm trọng. Lại thêm từ năm 1991 di tích nằm trong khu dự án sân golf  Phan Thiết do nước ngoài đầu tư trong kế hoạch bước đầu phát triển du lịch  ở tỉnh Bình Thuận, nên việc đi lại coi ngó di tích, cũng như việc thờ phụng và thực hiện các lễ nghi theo tập tục truyền thống của người dân địa phương gặp nhiều trở ngại. Cơ duyên, đến cuối năm 2012, Công ty cổ phần Rạng Đông đã chuyển nhượng và tiếp quản lại toàn bộ dự án sân golf Phan Thiết từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Thanh Minh Tự và Miếu Ngũ Hành. Vào tháng 10/2015, Công ty cổ phần Rạng Đông đã khởi công tôn tạo và phục dựng công trình và hoàn thành vào tháng 10/2016. Theo đó, đã khôi phục lại kiểu dáng, kết cấu kiến trúc và nét trang nghiêm cổ kính của một công trình kiến trúc dân gian ở thế kỷ XIX. Ngoài trùng tu tôn tạo  Chính điện Thanh minh tự, miếu Ngũ hành, nhà Nhóm, nhà Khói… là những công trình xưa, công ty còn xây dựng thêm Cổng Tam quan, Quan Âm các, Nhà bia…

 Thay lời kết

 Giờ đây,  di tích cấp quốc gia dinh Vạn Thủy Tú của làng Đức Thắng cùng với di tích cấp tỉnh Thanh Minh Tự và Miếu Ngũ Hành của làng Hưng Long xưa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan chiêm bái của khách thập phương mỗi lần đến phố biển Phan Thiết và gọi tên “Nét đẹp trầm mặc giữa thành phố biển” .  Chúng ta cần nghĩ đến hình thành một tour du lịch “văn hóa tâm linh” của thành phố với các điểm đến: Dinh Vạn Thủy Tú (Đức Thắng), Quan Đế Miếu (Đức Nghĩa), chùa Phật Quang, Thanh Minh Tự và Miếu Ngũ Hành (Hưng Long), Tháp PoSha I Nư, Dinh Ba Bà – nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và hai bà Hỏa Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi trong  5 bà Ngũ Hành Nương Nương (Phú Hài) cùng các đình chùa lăng miếu khác...

Xin đọc lại đôi câu đối ghi lời của người xưa khắc ở đình làng Hưng Long thay lời kết cho bài viết ngắn này: “Hưng thịnh thuận thiên thu, nãi trường phúc điền tiên tổ chủng/Long an hòa bách thế, sở tòng tâm địa hậu nhân canh” (Hưng thịnh suốt ngàn thu, tiên tổ gieo trồng dài lâu nơi ruộng phước/Yên bình mãi muôn đời, hậu bối theo đó vun trồng mảnh đất lòng). 

VÕ NGỌC VĂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh Minh trong tiết tháng ba…