Lý do chuyển sang nhóm B
Bộ Y tế đề xuất áp dụng quy định tại khoản 2 điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm để điều chỉnh bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất đề xuất này. Bởi từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc Covid-19 giảm 48 lần so với năm 2022, 20 ca tử vong thì tỷ lệ tử vong giảm mạnh còn 0,02% do có bệnh nền nặng và chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19. Tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam ở mũi 1, 2, 3, 4 cho các nhóm tuổi với tỷ lệ cao. Riêng tại Bình Thuận, toàn tỉnh cùng thời gian trên có 369 ca mắc Covid-19, trong đó có 2 ca ngoài tỉnh, không có ca tử vong. Từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 đạt 71,3%; mũi 4 là 99,1%…
Bên cạnh đó, tỷ lệ người mắc Covid-19 hiện nay nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỷ lệ tử vong cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B được ghi nhận tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%)…
Đến nay, xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là vi rút SARS-CoV-2. Qua theo dõi diễn biến dịch tại Việt Nam và đối chiếu các quy định của luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh Covid-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Theo Bộ Y tế, khi chuyển bệnh Covid-19 sang bệnh lây nhiễm nhóm B, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tình hình thực tế dịch để thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định pháp luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh Covid-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới.
Thắng lợi của nhân dân
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Vi rút SARS-CoV-2 chưa biến mất, lưu hành tại cộng đồng, biến thể mới liên tục xuất hiện. Vì vậy, các quốc gia được khuyến nghị chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam cao, nhưng sẽ không thể loại trừ hoàn toàn việc ghi nhận ít nhất 1 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Nhìn lại 3 năm phòng chống dịch Covid-19, đây là một đại dịch mới, chưa có trong tiền lệ, chưa từng xảy ra trên quy mô toàn cầu, kéo dài từ năm 2020 đến nay gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Tại phiên họp về công tác phòng chống Covid-19 vào chiều 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp tình hình của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Thắng lợi này là thắng lợi của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cùng với đó, thực hiện 3 trụ cột phòng, chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức phòng, chống dịch “5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác”; thực hiện chiến lược tiêm vắc xin miễn phí lớn nhất trong lịch sử cho người dân và huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực.
Cũng theo Thủ tướng, việc công bố hết dịch Covid-19 sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, cùng với đó điều chỉnh các chính sách liên quan khác. Tiếp tục nghiên cứu 7 khuyến cáo của WHO, trong đó không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình mới phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, là tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng các cấp; tiếp tục ổn định đời sống nhân dân sau đại dịch Covid-19…