Theo dõi trên

Tháo gỡ tình trạng thiếu hụt lao động do ảnh hưởng Covid – 19

31/03/2022, 05:53

Như chúng ta đã biết, thị trường lao động, nguồn cung lao động đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Lực lượng lao động sụt giảm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Cả nước có hàng triệu lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây…

lao-lam.jpg
Lao động tìm kiếm việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm. Ảnh tư liệu: Ngọc Lân.

Trong quý I/2022, thị trường lao động tiếp tục phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi số người có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn tăng cao, đồng thời thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ. Điều đáng nói ở đây là một bộ phận người lao động chưa thiết tha quay trở lại thị trường lao động do e ngại lây nhiễm dịch Covid-19, nhất là người lao động đang nuôi con nhỏ, có người thân lớn tuổi. Đặc biệt, do giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được không đủ trang trải cuộc sống nên một lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động, dịch bệnh cũng đã khiến không ít công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất phải tạm nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1. Trong khi đó, bước sang năm 2022 khi đã trở về trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, các ngành, nghề có xu hướng tăng lên.

Trước thực trạng trên, các ngành, địa phương của tỉnh tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó còn triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19...

Để thực hiện có hiệu quả chính sách về lao động, việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài đòi hỏi các ngành, địa phương cần phải có giải pháp để thực hiện. Theo đó, các ngành, địa phương cần phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung, cầu lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương. Mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị tốt cơ sở vật chất để đón học sinh, sinh viên trở lại nhà trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19. Xây dựng kế hoạch củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới và thực hành để đảm bảo chất lượng đào tạo, phương án phòng chống dịch Covid-19 đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trở lại trường tham gia học tập trực tiếp là thích ứng linh hoạt để đảm bảo việc học tập.

Còn việc phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng gắn kết 3 khâu: Đào tạo, sử dụng và đãi ngộ. Muốn thành công trong chiến lược phát triển phải chú trọng đến vai trò quan trọng của yếu tố con người, nhất là nhân tài, là nguồn lực tạo ra thế mạnh cạnh tranh. Do đó, việc thu hút người tài cần trở thành ưu tiên hàng đầu đối với những người làm công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển nền kinh tế của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung, phải đúng địa chỉ sử dụng…

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ban CHQS huyện Đức Linh: Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua Ban CHQS huyện Đức Linh luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính trong quyền lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh...
Nổi bật

Không lơ là, chủ quan trong mọi công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2024
BTO-Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2024 Nguyễn Minh tại hội nghị triển khai một số nội dung chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên địa bàn tỉnh (gọi kỳ thi) diễn ra vào sáng 21/5. Tham dự có các thành viên, tổ thư ký của Ban Chỉ đạo kỳ thi và Hiệu trưởng các Trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ tình trạng thiếu hụt lao động do ảnh hưởng Covid – 19