Theo dõi trên

Cẩn trọng khi dùng mạng xã hội

31/03/2022, 05:48

Mạng xã hội (MXH) không còn xa lạ với nhiều người vì dễ tiếp cận, đa dạng, lan truyền nhanh. Tuy nhiên, người sử dụng internet và MXH phải thực sự tinh ý và có kiến thức cần thiết để có thể nhận rõ đâu là giới hạn vi phạm bởi có quá nhiều điểm “mờ”, khiến người tham gia MXH vô tình vi phạm pháp luật.

images719044_tho_ng__ie__p_5k.jpg

Đừng chủ quan khi sử dụng MXH

Bên cạnh những ưu điểm là kênh thông tin quan trọng, đa dạng của người dân trong đời sống, trong các mối quan hệ, MXH còn xuất hiện các thông tin giả, sai sự thật, độc hại… thông qua nhiều nhóm liên kết trên mạng (cả nhóm mở và nhóm kín). Mặc dù, thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp hạn chế, nhưng những tin xấu, tin giả vẫn tìm cách len lỏi và làm nhiều người ngộ nhận những thông tin ấy là thật, nếu như không trang bị cho mình những kiến thức cơ bản. Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình đã đưa vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Ngọc Tiến (SN 1981, xã Phan Rí Thành) mức án 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là một ví dụ.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2018, Nguyễn Ngọc Tiến bắt đầu sử dụng MXH Facebook với tên “Tien Nguyen” thường xuyên chia sẻ những buổi phát sóng trực tiếp (livestream) của tài khoản “Hoàng Ngọc Diêu” với nội dung “Bất tuân dân sự”, cách quản lý và lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam, phân tích những vấn đề bất cập của xã hội Việt Nam... Ngoài ra, Tiến tham gia nhóm kín với vai trò quản trị viên đã đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết kèm hình ảnh có nội dung “nói xấu, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tuyên truyền chiến tranh, kích động bạo lực...”. Những thông tin ấy vô tình cổ súy, tiếp tay cho các đối tượng phản động, chống phá Đảng và Nhà nước, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Đặc biệt, trong năm 2021, lợi dụng thời điểm dịch bệnh phức tạp, những thành phần này càng gia tăng hoạt động, gây mất niềm tin trong nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nhiều trang MXH, facebook cá nhân đã kích động người dân làm đơn thư khiếu nại, khiếu kiện các tổ chức Nhà nước hoặc đăng tải những nội dung thông tin liên quan đến các vụ khiếu kiện khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, gây phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương. Đã có nhiều trường hợp bị ngành chức năng trong tỉnh xử phạt hành chính và cam kết không tái phạm. Do đó, người sử dụng MXH cần tỉnh táo trước những tin giả, đăng không đúng sự thật về một sự kiện, vụ việc nào đó nhằm câu like, câu view. Đặc biệt, vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam mới đây cũng vì sử dụng MXH tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Dễ mắc bẫy

Từ những vụ việc trên cho thấy, người dùng MXH cần phân biệt đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin giả, thông tin được cắt dán, thêm bớt, giải trí… Trên thực tế có nhiều thông tin sai trái ẩn khuất trong các thông tin có vẻ đúng, nếu người tiếp nhận không cẩn thận sẽ mắc bẫy. Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), điều dễ thấy là hiện nay trên kênh You Tube và nhiều trang mạng khác đăng tải thông tin phản ánh các sự kiện, sự việc, nhân vật có thật nhưng trong đó có trộn lẫn những bình luận sai trái, những chi tiết bịa đặt… Nếu người xem không phân định kỹ, chia sẻ, bình luận thì vô tình đã tiếp tay cho kẻ xấu phát tán thông tin vi phạm pháp luật. Đặc biệt, có những bài viết có kèm theo đường link từ một trang nào đó, cần kiểm tra liên kết bằng cách xem tên miền đầy đủ để xác định mức độ tin cậy.

Bộ TT&TT cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên MXH, trong đó nhấn mạnh các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải, thích, bình luận những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Đã có Luật An ninh mạng, vì thế mỗi người dân, đặc biệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… phải được trang bị hoặc tự trang bị những kiến thức về pháp luật cần thiết, không được xem nhẹ việc sử dụng không gian mạng. Chỉ cần vô ý cũng có thể vi phạm pháp luật, bị “vạ lây” trên MXH và có thể bị truy tố hình sự, nếu sự việc nghiêm trọng.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách TTHC
Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, Bình Thuận đã đạt những kết quả nhất định, dù còn những khó khăn vướng mắc.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn trọng khi dùng mạng xã hội