Theo dõi trên

10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách TTHC

30/03/2022, 05:53 - Lượt đọc: 384

Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, Bình Thuận đã đạt những kết quả nhất định, dù còn những khó khăn vướng mắc.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định cải cách hành chính nhà nước là một trong những khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (CT), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 phê duyệt CT, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013. Theo đó, Bình Thuận đã cụ thể hóa ban hành nhiều văn bản gồm quyết định, kế hoạch, chỉ thị... chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện cải cách hành chính (CCHC) theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương.

Nỗ lực để phục vụ dân

Bằng quyết tâm xây dựng một nền hành chính gần dân, những năm qua Bình Thuận xác định CCHC là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bởi chỉ có CCHC tốt mới mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và nội dung của CT đến cán bộ, công chức và nhân dân. Đồng thời phê duyệt nhiều kế hoạch, chương trình, đề án, bố trí nguồn lực, kinh phí mua sắm thiết bị đẩy mạnh cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực. Theo Báo cáo tổng kết CT, định hướng 2021 – 2030: giai đoạn 2011 – 2020 đã mua sắm các trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm một cửa điện tử cấp xã với kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng; triển khai đề án nâng cấp Bộ phận một cửa các cấp huyện, xã theo hướng hiện đại với tổng dự toán kinh phí hơn 40 tỷ đồng; Đề án xây dựng chính quyền điện tử tại thị xã La Gi hơn 11,5 tỷ đồng...

20220217_154053.jpg
Thủ tục hành chính ở cấp xã

Với nỗ lực ấy, nền hành chính vì dân phục vụ của Bình Thuận bước đầu đã đạt được kết quả trong nhiều lĩnh vực bao gồm cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là điển hình, từ năm 2011 đến nay, qua kiểm soát TTHC đã rà soát, đánh giá 390 TTHC, kiến nghị bộ, ngành, Chính phủ đơn giản hóa sửa đổi 91 TTHC, bãi bỏ 9 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh. Năm 2016, tiếp tục kiến ghị Trung ương đơn giản hóa với hình thức sửa đổi 11 TTHC. Trong 3 năm từ 2017 – 2019 đã rà soát rút ngắn thời gian giải quyết 1.339 TTHC cả 3 cấp, với tổng thời gian rút ngắn so với quy định của Trung ương là 4.824 ngày, góp phần cho mục tiêu cắt giảm chi phí trong giải quyết TTHC.

Ngoài ra, công bố 1.991 TTHC gồm cấp tỉnh 1.499 thủ tục, cấp huyện 321 thủ tục, cấp xã 171 thủ tục. Rút ngắn thời gian giải quyết 1.339/1.991 thủ tục so với quy định của Trung ương, chiếm 67,2% thủ tục. Cho đến nay, tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 10 huyện, thị xã, thành phố và 124 xã; các cơ quan ngành dọc gồm công an, ngành thuế; 2 doanh nghiệp nhà nước là Công ty Điện lực tỉnh và Công ty Cấp thoát nước đều thực hiện cơ chế một cửa tại cơ quan, đơn vị. Năm 2018, Bình Thuận tiếp tục thành lập Trung tâm Hành chính công, tiếp nhận giải quyết TTHC của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp, ngoại trừ Thanh tra tỉnh. Ngoài ra, tiếp nhận một số thủ tục khác của các cơ quan Trung ương tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương. Theo đó, tính từ 2015 - 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 4.300.214 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 4.211.211 hồ sơ, đạt tỷ lệ gần 98%. Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến nay đã cung cấp 397/1.991 thủ tục trực tuyến mức độ 3, 4. Các dịch vụ công đã được đăng tải trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu, thực hiện...

Tiếp tục phát huy

Tuy đã được kết quả nhất định, nhưng còn có những hạn chế, tồn tại, Bình Thuận đang nỗ lực tháo gỡ. Trong đó, cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong giải quyết hồ sơ công việc chưa đồng bộ, kịp thời, nhất là lĩnh vực liên quan đến đầu tư, đất đai, tư pháp... Các cơ quan, địa phương, nhất là cấp huyện, xã chưa sử dụng và khai thác hiệu quả phần mềm một cửa điện tử, để theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý trong giải quyết hồ sơ công việc. Một số cơ quan chuyên ngành chưa nắm bắt, theo dõi những công bố của bộ, ngành chủ quản để kịp thời tham mưu triển khai trên địa bàn tỉnh...

Để công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng đạt hiệu quả thì không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước mà còn của cả các cấp ủy và sự phối hợp, giám sát của các tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành và thực thi công vụ của cán bộ công chức. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... Có như vậy mới đạt được một nền hành chính vì dân phục vụ, chuyên nghiệp hiện đại. Phát biểu khai mạc phiên họp thứ nhất mới đây của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ đột phá nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.

Theo báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, định hướng giai đoạn 2021 – 2030 của tỉnh: Hướng tới tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các TTHC, tập trung các thủ tục liên quan môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục liên quan đến người dân, cải cách thủ tục trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước.

LÊ NINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
BTO- Hôm nay (19/6), Hội nghị trực tuyến “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI năm 2019” và Lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp, nghe báo cáo tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch Covid - 19 đã diễn ra tại TP. Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách TTHC