Giờ đây, làng nghề gốm gọ Bình Đức còn là điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn của khách du lịch. Những món quà thủ công bằng đất sét nung rất tinh tế, nét vẽ trang trí trên từng sản phẩm mang đầy bản sắc riêng của người Chăm. Tuy nhiên, việc duy trì, phát huy làng nghề truyền thống trong những năm qua cũng như hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên liệu đất sét.
Qua khảo sát công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020 hướng đến năm 2030 của tỉnh cho thấy, trong đó có quy hoạch một khu vực không đấu giá khai thác đất sét làm gốm gọ tại thôn Hải Xuân, xã Hải Ninh có diện tích 0,7 ha với trữ lượng khoáng sản khoảng 504.791m3. Song, diện tích này nếu cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản là chưa khả thi, không có hiệu quả kinh tế. Bởi lẽ, hiện trạng vị trí khu vực quy hoạch nói trên trữ lượng sét phù hợp để sản xuất gốm gọ còn lại rất ít.
Giữa năm 2021, thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình” được UBND tỉnh phê duyệt (tại quyết định 2097/QĐ-UBND ngày 19/8/2021), Sở Xây dựng đã phối hợp với huyện Bắc Bình đề nghị rà soát khu vực để quy định vùng nguyên liệu sét làm gốm đủ điều kiện, nhằm phục vụ nghề gốm truyền thống của người Chăm. Theo đó, ngày 12/10/2021 UBND huyện Bắc Bình đã đề xuất một khu vực nguyên liệu sét làm gốm gọ có diện tích 2,4 ha tại khu vực Cái Chày, thuộc thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh. Đây là khu đất sét có trữ lượng tương đối lớn, phù hợp làm nguyên liệu gốm gọ, bảo đảm nguồn nguyên liệu lâu dài phục vụ sản xuất ổn định. Song, vị trí đề xuất nói trên lại thuộc đất Quốc phòng quản lý.
Để tháo gỡ vướng mắc này, vừa qua Sở Xây dựng đã lấy ý kiến của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đối với khu vực sét làm nguyên liệu gốm gọ có diện tích 2,4 ha tại khu vực Cái Chày do liên quan đến quy hoạch tổng thể bố trí Quốc phòng. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, sau khi Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có ý kiến và nếu khu vực sét làm gốm gọ đủ điều kiện (không chồng lấn với các quy hoạch ngành), Sở Xây dựng sẽ phối hợp với sở Kế hoạch - Đầu tư và các sở, ngành liên quan cập nhật, bổ sung đưa vào phương án quy hoạch phát triển khoáng sản giai đoạn 2021-2030.