Theo dõi trên

Theo dòng lịch sử 1975 - 2010 của các Đảng bộ phường, xã trực thuộc Thành ủy Phan Thiết: Bài 2: Thành quả bước đầu qua 25 năm đổi mới (1986 - 2010)

15/04/2022, 06:00

Quá trình đổi mới Đảng bộ các phường, xã đã từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp, đi đôi với xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Nổi rõ nhất là kinh tế phát triển khá, năng lực sản xuất được duy trì và phát triển, thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu, đảm bảo chi cho các hoạt động của bộ máy phường, xã; Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, tình hình an ninh chính trị được ổn định, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tiến bộ.

Nhân dân và cán bộ Phan Thiết nói chung và từng phường, xã nói riêng rất vui mừng và tự hào về sự trưởng thành của quê hương qua sự kiện ngày 25/8/1999 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập thành phố Phan Thiết; song cũng chính sự kiện quan trọng này đặt ra cho thành phố và các phường, xã nhiệm vụ ngày càng to lớn nặng nề hơn trong sự nghiệp xây dựng phát triển địa phương xứng đáng với tầm vóc của một thành phố đô thị loại II, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. Niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương được tăng thêm tạo ra thế và lực mới trong quá trình phát triển của địa phương…

Lịch sử Đảng bộ phường Đức Nghĩa khẳng định: “Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân, cán bộ và đảng viên phường Đức Nghĩa đã phát huy truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến, đoàn kết thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xây dựng phường Đức Nghĩa có diện mạo mới như ngày nay”.

Cũng tại một đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến của Phan Thiết, Lịch sử Đảng bộ phường Phú Trinh có sự nhìn nhận: “…Thời cơ thuận lợi diễn ra cũng nhiều, song khó khăn, thử thách cũng không phải là ít, đan xen lẫn nhau… Đảng bộ phường Phú Trinh vừa làm, vừa học hỏi rút kinh nghiệm, kiên quyết đấu tranh khắc phục sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm để từng bước xây dựng Đảng bộ phường Phú Trinh tiến lên theo kịp phong trào chung của các Đảng bộ trong thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận...”.        

Lịch sử Đảng bộ phường Lạc Đạo kết luận: “Cùng với toàn thành phố trải qua 35 năm phấn đấu và phát triển, phường Lạc Đạo đã đạt được những kết quả khá tốt, ngày càng toàn diện rất đáng tự hào…Chúng ta luôn tin tưởng rằng với đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Phan Thiết, Đảng bộ và nhân dân Lạc Đạo tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, phát huy kết quả và những bài học kinh nghiệm có được, đoàn kết chặt chẽ, nỗ lực phấn đấu không ngừng xây dựng phường Lạc Đạo ngày càng phát triển bền vững và giàu đẹp”…

Lịch sử Đảng bộ phường Đức Long ghi nhận những dấu ấn: “Ngày 22/12/1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Thuận Hải có Quyết định số 1031 phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng khu dân cư tại thị xã Phan Thiết. Đây là khu dân cư lớn đầu tiên của thị xã Phan Thiết được xây dựng với tên gọi: Khu dân cư phường Đức Long (nay là khu phố 7) nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ và nhân dân các phường nam sông… Con đường Trần Quý Cáp ngày trước từ Lạc Đạo lên tới cầu 40 “rợp bóng cờ bay trong những ngày lịch sử” nay đã được mở rộng, hai bên nhà cửa phố xá được nâng cấp, xây mới, tạo cho bộ mặt của phường đầy khởi sắc. Đường giao thông nội phường được nâng cấp nhựa và bê tông hóa với hệ thống cống thoát nước thông thoát phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Điện lưới quốc gia phủ khắp địa bàn, 100% hộ đều dùng nước sạch… Con đường lên dốc Căng ngày xưa lỗ chỗ đất đá nay là con đường nhựa mới mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Ly (tham gia trận đánh tiêu diệt đồn Ngã Hai và Căng ESEPIC trong đánh Pháp) và mở đường nhựa mới đi Cầu Tàu mang tên Trần Lê (Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kiêm Bí thư Liên tỉnh 3 trong chống Mỹ)…”.

Còn ở cửa ngõ phía tây thành phố, Lịch sử Đảng bộ xã Phong Nẫm ghi lại cội nguồn từ 4 làng xưa hợp nhất: Phú Tài, Đại Nẫm, Xuân Phong và Trinh Tường; là xã có truyền thống cách mạng, được phong tặng Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của các phường, xã ở Phan Thiết; sau giải phóng 1975 Đảng bộ và nhân dân xã đã nỗ lực vượt qua không ít khó khăn và đã đạt được những thành quả có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ nét bộ mặt của địa phương; với quá trình đô thị hóa, ngày 22/11/2001, Chính phủ có Nghị định 89-NĐ/CP thành lập phường Phú Tài và phường Xuân An trên cơ sở tách ra từ xã Phong Nẫm.

Ở khu vực Bình Hưng, Hưng Long, Lịch sử Đảng bộ 2 phường ghi nhận: “Năm 1977, tỉnh Thuận Hải dời các cơ quan tỉnh từ Phan Rang về Phan Thiết, Tượng đài Chiến Thắng được xây dựng và tiếp theo là Đại lộ Nguyễn Tất Thành chạy dài từ Tượng đài xuống bãi biển Đồi Dương, mở ra bộ mặt mới cho Bình Hưng, Hưng Long… Đến năm 2010, có các công trình càng làm thay đổi diện mạo đô thị như: giải tỏa nhà chồ, xây dựng kè sông Cà Ty, Cảng hàng hóa, đường Phạm Văn Đồng, đường Tôn Đức Thắng, đường Mậu Thân, đường Tuyên Quang, Công viên Nguyễn Tất Thành, Khu du lịch Đồi Dương - Thương Chánh, siêu thị, Trung tâm văn hóa - thể thao… Cùng với nghề cá, các hoạt động thương mại và du lịch ngày càng phát triển”…

Nổi rõ nhất là sự đổi thay của phường mới Phú Thủy (thành lập tháng 10/1975 từ xóm Đầm phường Hưng Long, ấp Vĩnh Thủy, một phần phường Phú Trinh – nên có tên Phú Thủy - và đồng muối Trinh Tường). Lịch sử Đảng bộ phường Phú Thủy nêu rõ: “Có thể thấy, trước đây phường Phú Thủy là vùng ven của thị xã nên cơ sở hạ tầng phát triển đô thị không đáng kể. Toàn phường chỉ có 2 trục đường chính chạy qua là Trần Hưng Đạo và Thủ Khoa Huân, các khu dân cư bên trong nhà cửa thưa thớt, xen kẽ giữa các ruộng khoai, lùm bụi, mồ mả… so với mặt bằng đô thị của các phường nam sông đã được quy hoạch xây dựng từ thời Pháp thuộc. Qua 35 năm (1975-2010) hình thành và phát triển phường Phú Thủy từ là một vùng ven đã trở thành là một trong những phường lớn thuộc trung tâm thành phố Phan Thiết… Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường đã vận động nhân dân đồng thuận trong xây dựng các công trình, dự án khu dân cư và hạ tầng đô thị lớn trên địa bàn… Điển hình là công trình san lấp cánh đồng muối xây dựng khu dân cư Hùng Vương nối liền khu dân cư Đông Xuân An, Trung tâm thương mại bắc Phan Thiết với 2 trục đại lộ Hùng Vương – Tôn Đức Thắng và nhiều tuyến đường ngang dọc… Về kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ với nghề trồng rau màu, chăn nuôi heo, gà, làm muối… đã chuyển dịch sang thương mại dịch vụ du lịch với trên 1.200 cơ sở kinh doanh (2010). Đặc biệt, Phú Thủy từ không có chợ đã phát triển lên chợ phường, mà không chỉ là chợ phường, đã phát triển thành như chợ khu vực, góp phần giải quyết nhu cầu mua bán cho nhân dân các phường bạn xung quanh và một số bà con nông thôn ở Hàm Thuận Bắc…”.

Lịch sử Đảng bộ phường Thanh Hải thống nhất kết luận: “Kể từ năm 1955, lúc bà con giáo dân ở Ba Làng, Sầm Sơn, Thanh Hóa di dân vào Nam lập nghiệp ở khu vực Xóm Đầm Phan Thiết, lập làng và Giáo xứ mang tên Thanh Hải như nhớ về nguồn gốc vùng biển xứ Thanh quê cũ đến nay (2010) đã trải qua 55 năm. Trong đó phải trải qua 20 năm đất nước bị quân thủ chia cắt, cho đến sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, thống nhất đất nước, nhân dân ta nói chung và bà con Thanh Hải nói riêng mới thật sự xây dựng cuộc sống mới hòa bình và phát triển; cùng với cả nước tiến lên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Trong 35 năm qua (1975-2010) dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Phan Thiết; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Thanh Hải đã phát huy truyền thống lao động cần cù, bà con giáo dân không ngừng xây dựng cuộc sống mới “tốt đạo đẹp đời”, mối đoàn kết lương giáo ngày càng bền chặt, vượt qua khó khăn thách thức, ra sức xây dựng địa phương ngày càng ổn định và phát triển, đưa địa phương từ là một xã vùng ven, trở thành một phường phát triển của thành phố Phan Thiết”…

Còn ở phường Đức Thắng, một phường phát triển từ làng chài xưa cũ, nơi có các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cả đình làng và dinh vạn, là trung tâm nghề biển của Phan Thiết và Bình Thuận với Bến cá Cồn Chà. Lịch sử Đảng bộ phường ghi nhận: “Tiềm năng và lợi thế của quê hương được khai thác ngày càng tốt hơn, ngoài sản phẩm nước mắm thơm ngon nổi tiếng từ lâu, những năm gần đây nền kinh tế khai thác và chế biến hải sản phường Đức Thắng ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các đội tàu thuyền có công suất lớn và trang bị máy tầm ngư, định vị vươn tới ngư trường khơi xa, cùng với các nhà máy, công ty chế biến nhiều mặt hàng hải đặc sản phục vụ xuất khẩu. Đồng thời phát triển mạnh thương mại - dịch vụ - du lịch; giữ gìn, bảo quản, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, chế biến các mặt hàng ẩm thực truyền thống của quê hương, ngày càng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và thưởng ngoạn…”.

Ở miệt đông bắc Phan Thiết, từ Phú Hài đến Hàm Tiến – Mũi Né đã có sự đổi thay kỳ diệu, bởi đã nằm trong khu du lịch quốc gia với tên gọi: Khu du lịch quốc gia Mũi Né; khu du lịch quốc gia Mũi Né kéo dài theo ven biển, được tính từ phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết đến tận vùng biển xã Hòa Phú, nay thuộc thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (bao gồm cả khu du lịch Bàu Trắng, huyện Bắc Bình). Lịch sử Đảng bộ phường Phú Hài ghi nhận: “Trên địa bàn phường đã đầu tư phát triển các công trình lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như xây dựng khu neo đậu tàu thuyền quy mô khu vực, khu công nghiệp chế biến hải sản, nhiều khu resort và biệt thự du lịch nổi tiếng, di tích lịch sử văn hóa cụm tháp Chăm Pô Sha Inư được trùng tu tôn tạo và trở thành điểm đến tham quan chiêm ngưỡng của du khách…”.

Lịch sử Đảng bộ xã Hàm Tiến (bao gồm phường Hàm Tiến và xã Thiện Nghiệp ngày nay) kết luận: “Suốt quá trình hơn 25 năm (1975-2001) xây dựng, từng bước đi lên và trưởng thành, xã Hàm Tiến không sao tránh khỏi những điều vấp váp. Nhưng chúng ta có quyền khẳng định về thành tích và công lao đóng góp vào sự nghiệp tô bồi, gìn giữ công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của người con thủy chung, sâu nặng với quê nhà, dào dạt tình yêu, nghị lực, tràn đầy sức sống và khát vọng. Đảng bộ, quân, dân Hàm Tiến phát huy cao độ tinh thần tự lực vươn lên vừa tạo được niềm tin, năng động tiếp nhận sự chỉ đạo, đầu tư của cấp trên. Từ mảnh đất chồng chất đau thương bởi 30 năm chiến tranh tàn phá đã trở thành “thủ đô resort” hấp dẫn, nổi tiếng được nhiều nơi biết đến và chiêm ngưỡng thật quá đỗi tự hào”.

Kết luận trên, theo tôi, cũng là kết luận chung của các Đảng bộ phường, xã trực thuộc Thành ủy Phan Thiết.

GHI CHÉP VÕ NGỌC VĂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Huy chương vàng Đờn ca Tài tử:
Tài tử Hà Thu - lời thì thầm với quê hương
Liên hoan Đơn ca tài tử Quốc gia lần thứ III tại Cần Thơ năm 2022 đã bế mạc. Bình Thuận với chương trình 5 tiết mục, chỉ duy nhất một huy chương vàng. Đó chính là tài tử Hà Thu. Người nghệ sĩ “nặng lòng” với cung đàn, với tiếng gọi của quê hương.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo dòng lịch sử 1975 - 2010 của các Đảng bộ phường, xã trực thuộc Thành ủy Phan Thiết: Bài 2: Thành quả bước đầu qua 25 năm đổi mới (1986 - 2010)