Nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại
Theo yêu cầu của UBND tỉnh, phong trào thi đua sẽ được triển khai rộng khắp trên mọi địa bàn dân cư nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội, đến các doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, vai trò, tác động, ích lợi của học tập suốt đời và những điều kiện xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận bình đẳng với hệ thống giáo dục mở.
Kế hoạch chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong cộng đồng. Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Cũng theo kế hoạch, UBND tỉnh đề nghị thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc. Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập...
Hộ "gia đình học tập" chiếm tỷ lệ 78%
Thực hiện phong trào thi đua, sẽ có công nhận “Cộng đồng học tập” cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đối với hộ gia đình, dòng họ, có danh hiệu “Gia đình học tập” và “Dòng họ học tập”; đối với các doanh nghiệp (tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), có danh hiệu được công nhận “Đơn vị học tập”; đối với cá nhân, được công nhận danh hiệu “Công dân học tập” theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Căn cứ kết quả thực hiện phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội; UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu bằng hình thức phù hợp và theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Thời gian qua, thực hiện Chương trình 387 của Thủ tướng Chính phủ về Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và Chương trình 677 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030, UBND các cấp trong tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các Chương trình của Chính phủ để thực hiện năm 2022, 2023 và cho cả giai đoạn đến năm 2030. Bước đầu thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ theo Chương trình của Chính phủ, hướng dẫn của Trung ương Hội và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Kết quả, năm 2023 có 253.853 hộ gia đình đạt “Gia đình học tập” chiếm 78,1%; toàn tỉnh có 103 dòng họ đạt “Dòng họ học tập” chiếm 88%; có 671 thôn, khu phố đạt “Cộng đồng học tập” chiếm 97%; có 696 đơn vị thuộc cấp xã đạt “Đơn vị học tập” chiếm 96,8%. Về xây dựng mô hình “Công dân học tập”, có 10/10 huyện, thị xã, thành phố tổ chức đăng ký, xét đạt danh hiệu “Công dân học tập”... Qua đó, có thể thấy phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị tiếp tục được duy trì và có những bước chuyển biến tiến bộ tích cực và có tác dụng thiết thực trên nhiều mặt, góp phần đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, địa phương.