Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới bằng việc tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Việt Nam đang có quan hệ thương mại và xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 nước và vùng lãnh thổ. Việc hội nhập toàn diện và sâu rộng đã mang lại nhiều lợi ích cho việc phát triển kinh tế cả nước. Tuy nhiên, việc hội nhập cũng mang lại nhiều thách thức. Thị trường lao động Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nguồn lao động ngoài nước. Nguồn nhân lực Việt Nam từ trước đến nay vẫn được xem là một lợi thế cạnh tranh như: giá thuê nhân công rẻ, cần cù… Tuy nhiên, nguồn lao động cũng tồn tại nhiều hạn chế như lực lượng lao động nhiều nhưng lao động có chuyên môn ít, năng suất lao động thấp, kỹ năng của lao động không cao… Hội thảo lần này nhằm cập nhật thông tin chính xác về tình hình và chuẩn bị tư duy cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đối với sự kiện hội nhập quốc tế. Từ đó đề xuất giải pháp khắc phục cho các doanh nghiệp Bình Thuận trong thời hội nhập.
Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Thanh Cảnh nhận định hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều lợi ích, thời cơ để Bình Thuận phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế cũng mang lại nhiều thách thức, khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động. Do đó, các doanh nghiệp, người lao động phải đổi mới tư duy, cách làm việc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ông Huỳnh Thanh Cảnhhy vọng qua Hội thảo khoa học lần này, các doanh nghiệp Bình Thuận sẽ có thêm những thông tin chính xác về tình hình hội nhập hiện nay của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Từ đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm biện pháp khắc phục để phát triển.
Nguyễn Luân