Theo dõi trên

Thoảng những mùi hương

28/04/2023, 20:58

Những bản tình ca đã từng làm bao con tim người Việt thổn thức. Giữa rất nhiều sự thi vị mà những tình khúc chuyển tải, mùi hương với những cảm nhận khác nhau đã thấp thoáng trong những ca từ.

Hương từ thiên nhiên, hoa, trái

Những mùi hương hiện diện trong những tình khúc, thật nhiều có lẽ là mùi của những loài hoa: hoàng lan, ngọc lan, hoa sữa, hoa sen, hoa ngâu, hoa bưởi, hoa cau, hoa quỳnh, hoa rừng; rồi hương lúa, hương của đồng nội, của cốm xanh, của rơm thơm, cùng hương trầm, hương cà phê, và mùi thơm của những trang vở mới…

hoa-buoi-dien-9.jpg

Hoa sen đã đi vào nhạc phẩm “Bên lăng Bác Hồ” của nhạc sĩ Dân Huyền. Nhạc sĩ đã thổ lộ niềm kính yêu Bác Hồ khi được viếng Người ở Thủ đô Hà Nội. Tiếng lòng của người nhạc sĩ cũng là tiếng lòng của hàng triệu người dân Việt: “Lòng Bác vui khi con cháu về càng đông trong tình thương của Bác/ Với ngàn đài hoa ngát hương sen toàn dân yêu kính Người”.

Với khúc tình ca “Hoa sữa”, nhạc sĩ Hồng Đăng đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em”. Ở nhạc phẩm: “Em ơi! Hà Nội phố”, nhạc: nhạc sĩ Phú Quang, lời: nhà thơ Phan Vũ, khán thính giả thêm một lần nhớ về mùi hương của hoàng lan, hoa sữa, một trong những nét đặc trưng của Hà Nội: “Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có những cảm nhận về hương hoa sữa trên những con đường ở Hà Nội: “Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió”, cùng với đó là mùi thơm của hương cốm xanh: “Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ”(Nhớ mùa thu Hà Nội).

Hương hoa bưởi thơm ngát cũng là đề tài cho tình khúc nổi tiếng “Hương thầm”, lời: nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhạc: nhạc sĩ Vũ Hoàng. Hương bưởi thơm nói giúp cô gái tình cảm của mình với người yêu trước khi người con trai lên đường ra trận: “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/…/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.

Ca khúc “Hoa cau vườn trầu” của nhạc sĩ Nguyễn Tiến thấm đẫm mùi hương hoa cau, mùi hương ấy đã từng làm say đắm lòng không biết bao người. Hình ảnh nên thơ và vô cùng bình yên của những hàng cau, vườn trầu ấy đã đi vào bài hát: “Hoa cau rụng trắng sân nhà em. Mà hương cau ngan ngát quanh vườn trầu”. Hương hoa ngâu cũng tạo sức quyến rũ để người con gái mời chàng trai về thăm quê hương của nàng, một miền quê nghèo song lòng người lại dạt dào tình cảm: “Em mời anh dừng lại, đêm trăng ướt lá dừa/ Bên nồi khoai mới luộc/ Ngát thơm vườn ngâu thưa” (Tình quê hương – Đan Thọ). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã nhắc đến mùi thơm của hoa quỳnh, một loài hoa nở về đêm: “Ta mang cho em một đóa quỳnh/ Quỳnh thơm hay môi em thơm” (Quỳnh hương ).

Không chỉ hương thơm của những loài hoa gần gũi với cuộc sống con người thường ngày, hương hoa rừng cũng đã đi vào những nhạc phẩm. “Sơn nữ ca”, một sáng tác của nhạc sĩ Trần Hoàn, đã có những ca từ: “Sơn nữ ơi! Thời gian lôi cuốn bao lần/ bên rừng đầy hương bát ngát trời thu”. Với ca khúc “Hoàng hôn màu lá”, nhạc sĩ Thanh Tùng đã nhớ về hương hoa rừng ở những lâm trường với bàn tay của những người thanh niên xung phong chung sức xây dựng quê hương: “Anh đi trong chập chùng/ Đôi chân ngát hương hoa rừng/ Để mùa xuân theo bước chân, cùng anh đến với rừng”.

Cùng bao mùi hương khác, của cà phê, của trầm, của lúa mới, của rơm thơm… trong những khúc tình ca khác (“Giọt buồn không tên” – Tô Giang; “Chiều biên giới” – Trần Chung, lời thơ: Lò Ngân Sủn; “Mùa Xuân đến rồi đó” – Trần Chung; “Khúc hát sông quê” – Nguyễn Trọng Tạo; “Bài ca hy vọng” – Văn Ký; “Nắng lên xóm nghèo” – Phạm Thế Mỹ; “Như khúc tình ca” – Nguyễn Ngọc Thiện)…

Hương từ những cuộc tình

Ngoài mùi hương của thiên nhiên, hoa, trái, tình ca Việt còn có những bài thoảng hương của tình yêu, đến từ những con người yêu thương nhau tha thiết. Hương thơm từ những làn tóc đã từng xuất hiện trong những sáng tác của các nhạc sĩ. “Buồn trong kỷ niệm” của nhạc sĩ Trúc Phương đã có những lời ca: “Hương thơm làn tóc, nước mắt chưa lần khóc”. Và đây, một mùi hương nữa trong tình khúc “Mộng dưới hoa”, lời thơ: nhà thơ Đinh Hùng, nhạc: nhạc sĩ Phạm Đình Chương: “Ôi hoa kề vai, hương ngát mái đầu/ Đêm nào nghe ước mộng trôi mau”.

Có không ít nhạc phẩm đã nói về hương phấn của cuộc đời. “Lá đổ muôn chiều” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh đã mang những nét u hoài của cuộc tình không trọn vẹn: “Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi!/ Tiếc mà chi dang dở phấn hương phai/ Thuyền phiêu lãng từ nay không bến đổ”. Có cuộc tình đẹp, rồi chia cách. Người lên đường, người ở lại, để những lời thơ buốt giá về đêm. “Sương lạnh chiều đông” của nhạc sĩ Mạnh Phát đã có những lời buồn của nhớ thương, chờ đợi: “Buốt giá câu thơ những lúc đêm mờ/ Ướp cánh hoa xưa phấn nhớ hương chờ/ Mà đắm trong nghẹn ngào”.

Những cuộc tình ngát hương mãi là những niềm mơ ước của bao người. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã viết ước mơ về một mùa thu với cuộc tình nồng nàn trong ca khúc “Mùa thu cho em”: “Em có mơ khi mùa thu tới/ Hai chúng ta sẽ cùng chung lối/ Em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương”.

Rồi có cả mùi hương quen thuộc nghe như làn hơi ấm trong ca khúc “Tình ca mùa xuân” của nhạc sĩ Trần Hoàn: “Em ơi em, mùa xuân đã về trên cành lá/…/ Mùi hương nào rất quen nghe như làn hơi ấm”. Nhạc sĩ Thông Đạt với ca khúc “Ai về sông Tương” nhớ về một người yêu, với hương tình biết bao nồng thắm: “Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em/ Mơ hoài hình bóng không quên/ Hương tình mộng say dịu êm”…

Vậy đó, những mùi hương làm lưu luyến lòng người. Đây là hương hoa, hương lúa, hương cốm, hương của đồng nội, của rừng già, của thiên nhiên; còn kia là hương của tình yêu, của sự gắn bó mặn nồng với người mình yêu dấu. Những mùi hương dịu dàng đằm thắm trong những khúc tình ca từng để lại những rung cảm khó phôi pha trong lòng người hâm mộ. Nghe lại những tình khúc để rồi lòng lại bâng khuâng nhớ về những mùi hương đã từng nồng nàn bên chúng ta, hay chỉ là thoảng qua theo những cơn gió của cuộc đời.

KHẢI MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Những bí ẩn bên dưới tháp Pô Sah Inư
Tháng 7 năm 1987, người dân Phú Hài ở gần tháp Pô Sah Inư và nhất là những người viếng chùa Bửu Sơn thấy hiện tượng lạ là 4 - 5 ngày liên tiếp có một ông Tây người mập mạp, da hồng và đầu tóc bạc phơ, với chòm râu bạc trắng dài đến ngực đi vòng quanh khu tháp, với chiếc máy ảnh và quyển sổ để ghi chép và vẽ lại những điều trông thấy… đó là ông Kazik kiến trúc sư trưởng của nhóm chuyên gia Ba Lan, người khởi tạo làm hồi sinh nhóm tháp này.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thoảng những mùi hương