Vụ hè thu khá thuận lợi
Ngoại trừ những diện tích lúa hè thu bị thiệt hại do mưa lũ vào cuối tháng 7 vừa qua, có thể thấy sản xuất vụ hè thu năm 2023 thời tiết khá thuận lợi, lượng nước tích tại các hồ đập đầy đủ nên thời gian xuống giống đảm bảo kế hoạch đề ra. Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu toàn tỉnh thực hiện được 82.791/85.430 ha, đạt 96,91% kế hoạch vụ và bằng 101,07% so cùng kỳ. Sản lượng lương thực vụ hè thu ước đạt 267.856/280.361 tấn, trong đó sản lượng lúa khoảng 230.731 tấn, bắp 37.125 tấn… Ở vụ lúa này, các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây trồng xuất hiện và gây hại rải rác trên diện rộng, nhưng với tỷ lệ hại thấp, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.
Đơn cử tại huyện Bắc Bình, vụ hè thu năm 2023 toàn huyện sản xuất 12.705 ha lúa, với các loại giống Đài thơm 8, ML 48, ML214, BDR57, ST24, ST25, NVP 79, An sinh, OM 5451... Thời điểm này, các diện tích lúa đang trong giai đoạn chín - thu hoạch và diện tích đã thu hoạch khoảng 11.000/ 12.705 ha. Hầu hết các diện tích đều cho năng suất cao, bình quân 7 - 8,5 tấn/ha (lúa khô), với giá lúa khô thu mua dao động 8.200 – 8.500 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay nên nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay vẫn còn một số trà lúa vụ hè thu đang ở giai đoạn đòng trổ, cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc. Ở các trà lúa còn lại, dịch hại vẫn có thể tấn công, làm suy giảm năng suất, bà con nên thăm đồng thường xuyên để phòng trị kịp thời. Mặt khác, nông dân cần tranh thủ thu hoạch lúa hè thu nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do mưa, lũ đến sớm, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa và giải phóng đất kịp thời, đảm bảo lịch thời vụ xuống giống vụ mùa 2023.
Đảm bảo thời gian xuống giống vụ mùa
Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu sản lượng lương thực 800.000 tấn. Trong đó, sản lượng lương thực 2 vụ đông xuân và hè thu 2023 ước đạt khoảng 558.656 tấn. Vì vậy sản lượng lương thực vụ mùa 2023 cần phải đạt 248.200 tấn, tương ứng với diện tích gieo trồng cây lương thực là 45.130 ha.
Theo lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT, đối với vùng sản xuất lúa không chủ động nước, các địa phương tập trung xuống giống từ 15/8 đến 15/9. Đối với vùng chủ động nước (hè thu cấy lại), do vụ hè thu gieo trồng muộn nên vụ mùa tập trung xuống giống từ 30/8 đến 30/9. Đồng thời lưu ý, dựa vào tình hình thực tế, các địa phương có thể bố trí sản xuất cho phù hợp với khả năng về nguồn nước, đất đai. Tuy nhiên, những diện tích xuống giống phải đảm bảo đủ nước từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch, không gieo trồng tràn lan tránh gây thiệt hại cho người dân. Mặt khác, vụ mùa có độ ẩm cao nên thường xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại so với các vụ sản xuất khác trong năm. Do đó, không kéo dài thời vụ gieo trồng, làm ảnh hưởng đến quá trình điều tiết nước, lịch thời vụ chung, là điều kiện lây lan mầm bệnh cho các vụ sau…
Theo ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để đạt kết quả tốt nhất trong vụ mùa, ngành nông nghiệp tỉnh lưu ý đối với huyện Đức Linh, Tánh Linh, các vùng thường xảy ra lũ quét, vùng ngập sâu không bố trí sản xuất vụ mùa mà chuyển sang sản xuất vụ đông xuân sớm để tránh được lũ chính vụ trong tháng 9, 10. Những chân ruộng cao, hoặc ruộng đã sản xuất 2 vụ lúa, ruộng có điều kiện thì nên chuyển sang sản xuất các cây trồng cạn như bắp, rau đậu các loại để hạn chế thiệt hại về dịch bệnh. Đặc biệt, sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, phải tập trung vệ sinh đồng ruộng, việc gieo trồng phải tập trung đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng…
Theo kế hoạch, diện tích lúa vụ mùa năm 2023 trên địa bàn tỉnh giảm 1.660 ha so với cùng kỳ năm 2022 do diện tích gieo trồng lúa vụ mùa dự kiến trên địa bàn huyện Đức Linh giảm 1.810 ha so với cùng kỳ. Riêng diện tích gieo trồng lúa vụ mùa 2023 dự kiến trên địa bàn huyện Tánh Linh tăng 150 ha so với cùng kỳ.