Tham dự diễn đàn có 50 doanh nghiệp - đại diện cấp cao của ngành nông sản Châu Âu, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thịt, sữa, rượu vang, rượu mạnh, các sản phẩm rau quả... sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Phát biểu tại diễn đàn, Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của Liên minh Châu Âu Janusz Wojciechowski cho rằng, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á sau khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020. Chuyến thăm này sẽ góp phần tận dụng lợi thế của các cơ hội thương mại mới và cho phép giới thiệu các tiêu chuẩn chất lượng cao và bền vững của sản xuất nông sản thực phẩm của EU vì lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng khắt khe.
Tại diễn đàn các đại biểu đã nghe thông tin về các nội dung như: Tình hình thị trường EU và các cơ hội thương mại về nông sản; Tiếp cận thị trường Việt đối với các sản phẩm nông sản: khung khổ pháp lý và các bước phát triển…
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phùng Đức Tiến, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành hàng nông sản Việt, tốc độ tăng trưởng thương mại của hai bên tăng nhanh từ 4 tỷ USD năm 2018 đến nay đã tăng lên trên 6 tỷ USD. Tiền năng lợi thế của hai bên rất lớn, trong lĩnh vực hàng nông sản hai bên cùng bổ trợ cho nhau. Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, cũng là đất nước được biết đến nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật. Do đó cuộc gặp gỡ giữa Cao ủy nông sản châu Âu với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ là nền tảng cho một thời kỳ mới, tiềm năng lợi thế sẽ được khơi thông.
"Hôm nay, dự diễn đàn này về phía châu Âu có 50 doanh nghiệp, Việt Nam có 52 doanh nghiệp với các lĩnh vực hai bên đều có thế mạnh. Tôi chắc chắn rằng sau đợt làm việc này, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy thương mại tăng trưởng tốt và cao hơn như tiềm năng của hai bên đã có" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, việc tham gia sự kiện này, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng sẽ đa dạng hóa được nguồn cung ứng và khẳng định thế mạnh về nông nghiệp. Đồng thời nắm bắt thêm thông tin gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm các đối tác tin cậy tại thị trường EU, cũng như tận dụng cơ hội này để tìm hiểu kỹ về các nhà xuất khẩu của EU và biến họ trở thành đối tác kinh doanh đáng tin cậy của tại EU.
Theo ông Công: "Rất mong muốn EU sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách mà mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, bền vững. Hỗ trợ tăng cường năng lực cho Việt Nam gồm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật nông nghiệp tiệm cận với quốc tế. Đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam trong thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động nông nghiệp"./.