Theo dõi trên

Thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

05/05/2022, 05:28

Cùng với dịch Covid-19, bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng con người. Đặc biệt, thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay, nếu mỗi người dân không chủ động phòng bệnh, nguy cơ bệnh này sẽ bùng phát.

Giảm sâu so cùng kỳ

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc SXH, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, các tỉnh Nam bộ ghi nhận tình hình chung là khuynh hướng gia tăng số ca mắc SXH nặng, có trường hợp tử vong. Bộ Y tế dự báo: Trong thời gian tới, số ca mắc bệnh này có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Tình hình dịch bệnh SXH năm nay sẽ có diễn biến phức tạp.

z3387970120047_bec9e3a4b023dadfa874eb9e8bd38079.jpg
Người dân thay nước, rửa lu để diệt lăng quăng.

Cùng thời gian như trên, Bình Thuận có 258 ca mắc SXH, giảm 44,9% so với cùng kỳ năm 2021 (468 ca). Số ca nặng 14 ca, giảm 12,5% so với cùng kỳ (16 ca), ghi nhận chưa có trường hợp tử vong. Với 25 ổ dịch, giảm 43,2%, được phát hiện và đã xử lý kịp thời theo quy định. Mặc dù thời điểm những tuần gần đây xuất hiện các cơn mưa đầu mùa, nhưng số ca mắc giảm là dấu hiệu khả quan.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời tiết nắng mưa thất thường tạo điều kiện thuận lợi muỗi vằn, lăng quăng phát triển, sinh trưởng. Từ đó dễ bùng phát bệnh SXH nếu người dân chủ quan, không có các biện pháp phòng ngừa mỗi ngày. Đây là một bệnh truyền nhiễm chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị, nhưng khả năng lây lan nhanh, từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn.

Ứng phó ngay

Với mục tiêu khống chế tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do SXH, không để dịch lớn xảy ra, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt. Mỗi người dân thực hiện mọi biện pháp để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm phối hợp trung tâm y tế tuyến huyện giám sát mật độ muỗi, lăng quăng, chọn nơi nguy cơ cao về SXH như ổ dịch cũ, nơi thường xảy ra dịch, nơi có điều kiện thuận lợi SXH. Từ đó xác định nguồn phát sinh chủ yếu của lăng quăng của từng địa phương. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện và nhân lực phục vụ chống dịch. Thêm vào đó, chính quyền các địa phương ra quân, vận động, tuyên truyền người dân dọn vệ sinh, diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Ngoài các hoạt động mà ngành y tế triển khai, mỗi người dân bắt đầu một hành động nhỏ từ trong gia đình để diệt lăng quăng, diệt muỗi. Đó là dọn dẹp xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bệnh sốt xuất huyết: Tăng hơn 200 ca/tuần, thiếu máy thở cấp cứu
BT - Do ảnh hưởng của bão, nhiều cơn mưa lớn xuất hiện kéo theo lăng quăng, muỗi phát triển và số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trong khi đó, trang thiết bị cấp cứu cho bệnh nhi thì không đáp ứng đủ cho tình hình bệnh SXH đang tăng hiện nay.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết