Theo dõi trên

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06/08/2020, 08:57

BT- Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận luôn xác định đầu tư cơ sở hạ tầng cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp quan trọng để đồng bào ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Chỉ tính trong năm 2019, bằng nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh đã thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn 18.315 triệu đồng.

Theo đó, tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng, phân bổ triển khai thực hiện 38 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 1 công trình y tế, 6 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, 13 công trình trường học… Các công trình này đều được triển khai ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, kết quả đầu tư đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Phải khẳng định rằng, kết quả thực hiện Chương trình 135 đã tạo tiền đề thuận lợi, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, diện mạo các xã đặc biệt khó khăn cơ bản thay đổi, đời sống văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được nâng lên. Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua các địa phương trong tỉnh còn được bố trí một nguồn lực không hề nhỏ để thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với đó là ngân sách địa phương cân đối để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 đã giảm đáng kể. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đã giảm 0,8%, vượt so với kế hoạch đề ra (0,7%). Đến nay toàn tỉnh có 6.323 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,92% so với tổng số hộ toàn tỉnh và 15.173 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,61% so với tổng số hộ toàn tỉnh. Đây là kết quả đáng mừng từ các dự án, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thụ hưởng góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, tỉnh Bình Thuận phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,6%, đồng thời phấn đấu bảo đảm người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống và tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đến các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo, nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ “Tái canh cây điều” với diện tích 26 ha/47 hộ nghèo và cận nghèo tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Hỗ trợ chăn nuôi trâu sinh sản với 20 con trâu/20 hộ nghèo và cận nghèo ở xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản với 175 con bò/175 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở các huyện: Bắc Bình, Hàm Tân, Tánh Linh.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh tổ chức cung ứng cây giống, con giống cho các hộ, lựa chọn giống có chất lượng, rõ nguồn gốc phù hợp với điều kiện chăn nuôi, trồng trọt của địa phương. Đối với UBND các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và Tánh Linh chỉ đạo các phòng chức năng và UBND các xã, thị trấn có đối tượng thụ hưởng chính sách phối hợp tổ chức triển khai hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật và trang bị kiến thức khuyến nông cho các hộ là đối tượng thụ hưởng chính sách trong quá trình thực hiện. Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, duy trì và nhân rộng mô hình để sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt là các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số