Theo dõi trên

Thức tỉnh ngoài biển khơi

12/05/2023, 05:27

“Tôi đã nhận thức được đánh bắt hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài là hành vi vi phạm pháp luật. Tôi nhận khuyết điểm và xin hứa từ nay sẽ không tái phạm. Tôi cũng sẽ thường xuyên vận động họ hàng và bạn thuyền tuyệt đối không khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài” – anh Bình cho hay.

Ám ảnh...

Trưa đầu hạ. Nắng trải dài phủ kín hàng ngàn con tàu đang neo đậu tại cửa biển La Gi. Trong không khí rộn ràng như ngày hội, hàng trăm ngư dân tất bật, hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi. Anh Bình, người vừa về từ nhà tù Malaysia sau một năm bị giam giữ, vừa bị kiểm điểm trước nhân dân về hành vi đánh cá bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đang loay hoay chuẩn bị đá lạnh, nước uống, lương thực cho chuyến đánh bắt xa bờ. Cái cách ngại ngùng, xấu hổ vì làm việc sai mà giờ xung quanh ai cũng biết khiến anh lặng lẽ. Mới 46 tuổi, nhưng gương mặt anh là của người già cả, nhất là đôi mắt đang nặng trĩu những nỗi niềm… “Có những đêm tôi mơ thấy mình đang ở nhà tù, giật mình thức giấc rồi không thể ngủ tiếp” - anh Bình nói với tôi như muốn giãi bày về việc làm “sai 1 ly đi vạn dặm” của mình.

222.jpg
Ông Bình tất bật chuẩn bị đá lạnh cho chuyến vươn khơi dài ngày.

Mắt nhìn xa xăm, anh bắt đầu kể tôi nghe về tháng ngày ròng rã ở trại giam xứ người. Khoảnh khắc tàu cá của anh bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ là vào trưa ngày 7/1/2022. “Thời điểm bị bắt, trên tàu cá còn có 6 thuyền viên. Ngay lập tức, hải quân Malaysia áp giải chúng tôi về trại tạm giam. Sau đó, chuyển qua 3 nhà tù khác nhau. Phòng giam nào cũng chật hẹp nhưng có hàng chục tù nhân ở các quốc tịch khác như: Singapore, Indonesia, Myanmar... cùng sinh hoạt. Ăn thì bữa đói bữa no” – anh Bình nhớ lại. Anh sợ nhất khi màn đêm xuống, nỗi nhớ người thân, nhớ quê kèm nỗi ân hận xót xa vì nhất thời sai lầm dẫn đến nông nỗi này cứ giằng xé. Không ngủ. Rồi bản thân tự nhủ phải cố gắng vượt qua đợi đến ngày đoàn tụ. Trong lời kể của người đã từng là thuyền trưởng này, tôi nhận ra sự ám ảnh đến cùng cực và nỗi niềm hối tiếc khôn nguôi suốt 1 năm trong tù vì không tỉnh thức trước lợi ích ngoài biển khơi. “Đầu tháng 1/2023, cảnh sát Malaysia thông báo tôi và các thuyền viên được về nước. Lúc ấy tôi vừa mừng vừa tủi. Trong vòng tay của người thân, tôi mới biết là mình đã thật sự được trở về”- anh thổ lộ.

111.jpg
Cán bộ phường Phước Hội trao đổi với vợ chồng anh Bình. 

Vì đâu chật vật

Đầu tháng 5, những ngư dân hành nghề câu khơi ở thị xã La Gi hăng hái chuẩn bị cho chuyến biển xa. Đâu đó trong câu chuyện của những thuyền trưởng cùng lứa tuổi với mình, anh Bình biết được người bạn cũng là thuyền trưởng, nhưng chuyến biển năm trước bạn trở về an toàn lại còn mang thêm tiền về cho vợ sắm tết. Cũng chuyến biển ấy, trước khi vươn khơi anh cũng như các thuyền trưởng khác đều được chính quyền tuyên truyền phải tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các quy định đánh bắt, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm lãnh hải nước ngoài. Thêm nữa, chính quyền còn cho ký cam kết sẽ trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, thông tin liên lạc theo quy định. Các loại giấy tờ của tàu cá được kiểm tra đầy đủ, ghi nhật ký khai thác từng chuyến theo quy định. Sau khi kết thúc chuyến biển thì nộp nhật ký khai thác cho Ban Quản lý Cảng cá La Gi. Ấy vậy mà chỉ trong một phút bồng bột, anh đã không cưỡng lại được cám dỗ rằng ở bên kia, cá rất nhiều. Anh đã vi phạm pháp luật! Còn các thuyền trưởng cùng ra khơi với anh nhưng đánh bắt trong vùng biển quê hương, sau chuyến ấy trở về nhà an toàn trong niềm hân hoan của người thân, họ hàng. “Giờ đây, tôi chỉ ước sao thời gian có thể quay trở lại, tôi sẽ ý thức tốt hơn việc đánh bắt, khai thác hải sản theo đúng quy định để không bị “trắng tay” - anh Bình bộc bạch.

Không chỉ chuyến biển mất trắng, anh Bình còn bị tước bằng và chứng chỉ thuyền trưởng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản. Giờ đây, khi không còn làm thuyền trưởng nữa, là bạn thuyền thì sau mỗi chuyến biển dài từ 15 - 20 ngày, thu nhập của anh dao động từ 3-5 triệu đồng, chỉ bằng 1/4 so với trước đây. Với khoản thu nhập ít ỏi ấy, tính ra không đủ để anh trang trải chi phí sinh hoạt, ăn uống và học hành của 2 đứa con anh. Vì thế, nỗi ân hận cứ như cày xới anh từng ngày.

Cam kết không tái phạm

Hôm nói chuyện này với ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Hội, ông nhận định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khai thác bất hợp pháp là tư tưởng hám lợi của một số nhỏ chủ phương tiện, thuyền trưởng và ngư dân. Hành vi này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của quốc gia, cả nước có nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu hàng thủy sản sau châu Âu và các thị trường khác. Không chỉ vậy, còn làm ảnh hưởng đến hàng triệu lao động Việt Nam mất việc làm nếu EU chuyển sang thẻ đỏ. Khi đó, sẽ tác động đến kinh tế của từng cá nhân trong cộng đồng ngư dân như giá cả hàng thủy sản, hải sản giảm sút, tiêu thụ cầm chừng, hàng hóa ứ động; thu nhập về thủy sản, hải sản của từng cá nhân, gia đình sẽ giảm rõ rệt, thất nghiệp gia tăng sẽ xảy ra các tệ nạn xã hội.

“Đối với cá nhân anh Bình, ngoài bị tước bằng và chứng chỉ thuyền trưởng, anh còn phải đối mặt với chế tài xử phạt tàu cá vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản với mức phạt lên đến gần 1 tỷ đồng” – ông Long nói. Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tàu cá ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, thời gian qua, phường Phước Hội đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách. Nhờ đó, từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2021 trên địa bàn phường không phát hiện tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Tuy nhiên, đến ngày 8/9/2021, trên địa bàn phường xảy ra 1 tàu/7 ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển Malaysia bị bắt giữ. Đặc biệt, đầu tháng 1/2022, phường Phước Hội xảy ra 2 tàu/13 ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển Malaysia bị bắt giữ. Từ đầu năm 2023 đến nay, phường Phước Hội không có ngư dân vi phạm khai thác lãnh hải.

“Phường sẽ tiếp tục theo dõi, quản lý các tàu cá thường xuyên neo đậu tại các tỉnh miền Tây và các tàu cá hành nghề câu khơi có nguy cơ khai thác hải sản bất hợp pháp, thường xuyên tiếp cận tuyên truyền, vận động và nhắc nhở. Cùng với đó, xem công tác tuyên truyền, nắm địa bàn, kịp thời nắm bắt thông tin là thường xuyên, liên tục, không gián đoạn. Bên cạnh, tăng cường chỉ đạo nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng, nhất là những đối tượng trọng điểm có biểu hiện hoạt động nghi vấn, dấu hiệu tổ chức, rủ rê, lôi kéo đưa tàu cá, ngư dân đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài trái phép...” - ông Trần Thiên Long cho biết thêm.

“Qua sự việc này, tôi đã nhận thức được đánh bắt hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài là hành vi vi phạm pháp luật. Tôi nhận khuyết điểm và xin hứa từ nay sẽ không tái phạm. Tôi cũng sẽ thường xuyên vận động gia đình, người thân và anh em bạn thuyền, thuyền trưởng tuyệt đối không khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài”, anh Bình nói với tôi mà như tự nhủ với lòng mình. Cũng qua anh, tôi được biết vài ngư dân ở phường có hành vi đánh bắt bất hợp pháp vùng biển nước ngoài cũng trong tình cảnh tương tự. Đều ân hận. Có được quay lại cũng không dám nữa, vì họ thấm thía hơn hết câu chuyện chính hành vi của mình đã tự gây khó khăn cho gia đình và còn góp phần gây trở ngại cho hành trình cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC)...

“Giờ đây, tôi ước sao thời gian có thể quay trở lại, tôi sẽ ý thức tốt hơn việc đánh bắt, khai thác hải sản theo đúng quy định để không bị “trắng tay” - anh Bình bộc bạch.

* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

PHÓNG SỰ CỦA THU HÀ


(1) Bình luận
Bài liên quan
Gỡ “thẻ vàng” thủy sản: Nếu quyết tâm sẽ làm được
Từ ngày 24 - 31/5/2023, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khắc phục các tồn tại theo khuyến nghị của EC. Bình Thuận cũng như các địa phương ven biển trong cả nước đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp cũng như công tác chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC, nhằm góp phần sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thức tỉnh ngoài biển khơi